Bạn Lê Thị Quỳnh (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) lo lắng: “Mình theo chế độ chay đã được 2 tháng. Loại bỏ thịt khỏi thực đơn khiến mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nhưng gần đây, cơ thể có biểu hiện uể oải, mệt mỏi, da mặt tím tái. Kết quả khám sức khỏe cho thấy mình bị thiếu sắt trầm trọng. Dù bác sĩ khuyên nên quay lại chế độ ăn mặn nhưng mình không muốn. Ngược lại, nếu tiếp tục ăn chay, mình cũng không biết phải chọn những thực phẩm gì để tăng lượng sắt cho cơ thể”.
Còn Nguyễn Hùng (Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Bắt đầu chế độ ăn chay trường được một tuần, mình giảm tới 5 kg, da tái xanh, môi tím thâm, người bủn rủn. Do đó, mình phải ăn mặn trở lại. Hiện tại, thực đơn của mình là 10 ngày chay, 20 ngày mặn, duy trì khá ổn định trong tháng nên không còn bị tình trạng như trước. Mình nghĩ, các bạn nên cẩn thận tìm hiểu kỹ vấn đề nên ăn gì, uống gì hợp lý rồi mới nên bắt đầu”.
“Nếu đảm bảo đa dạng thực phẩm, có thể người ăn chay sẽ không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. Nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện hợp lý”, TS Hưng khuyến cáo.
Theo TS Hưng, ăn chay cũng đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Rau, củ, thực vật thường nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu vitamin, đặc biệt nhóm B, A. Chúng tốt trong việc giải độc, giảm cân và phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, táo bón, tai biến, loãng xương…
Tuy nhiên, nhiều người đang thái quá về chế độ ăn này, họ thực hiện không đúng cách, hoặc áp dụng chay trường (ăn chay hoàn toàn) trong khi thiếu nhiều kiến thức về dinh dưỡng.
Chuyên gia này cho hay, thực vật cũng có chứa đạm nhưng hàm lượng các axit amin không phong phú bằng đạm động vật. Đó chính là lý do người ăn chay hay gặp tình trạng thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm hoặc vitamin B12. Những chất này có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật (như thịt, cá, trứng, gan, huyết, hải sản) và dễ hấp thu vào cơ thể. Trong khi đó, thức ăn có nguồn gốc thực vật cũng có chất sắt nhưng tỷ lệ thấp và cũng khó hấp thu hơn.
Đặc biệt, nhiều người ngộ nhận bữa ăn chay chỉ báo gồm cơm và rau quả. Thực chất, những bữa ăn quá đơn điệu như vậy có nguy cơ thiếu chất rất cao. Việc ăn thiếu chất đạm cũng có thể gây ra biếng ăn, nhão cơ, dễ nhiễm trùng.
Ngược lại, nếu bữa ăn chay quá nhiều bột, đường và dầu béo, năng lượng cao vẫn có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì như người ăn mặn.
Ăn chay có chừng mực
TS Hưng bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ ăn chay trường chỉ nên dành cho những người vì mục đích tôn giáo, hoặc những nghề đặc biệt. Khi đó, chắc chắn họ sẽ có sự tìm hiểu và một chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo sức khỏe. Còn những người ăn chay theo kiểu “nửa mùa” tốt nhất nên dừng lại”.
Chuyên gia này tư vấn thêm, chúng ta nên ăn các món chay 1-2 ngày trong tháng, hoặc có thể nhiều hơn nhưng không phải chay trường. Trong đó, bữa ăn phải có đủ 4 nhóm chất: bột đường (gạo, ngũ cốc), đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm,,…), dầu và rau trái. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.
“Chế độ ăn tốt nhất vẫn là kết hợp hài hòa giữa đạm động vật và thực vật. Nếu bạn quyết định ăn chay, đó không phải là điều xấu nhưng cần cân nhắc điều này. Nhiều người có mục đích phòng bệnh nhưng sau khi áp dụng chế độ ăn này, họ lại mắc nhiều bệnh hơn chỉ vì những sai lầm không đáng có”, TS Hưng cho biết.
Đặc biệt, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân trong giai đoạn cần dinh dưỡng phục hồi bệnh… là những đối tượng đang được chú ý đặc biệt về mặt dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo không áp dụng chế độ ăn chay với những đối tượng này.
Đối với những người mắc bệnh béo phì, mỡ trong máu, huyết áp… nên nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng.