Quần áo không vô hại như ta nghĩ

18/04/2015 09:59:32

Quần áo vừa bảo vệ cơ thể vừa làm đẹp cho người mặc. Nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe.

Quần áo vừa bảo vệ cơ thể vừa làm đẹp cho người mặc. Nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe.

Chất hóa học sử dụng khi sản xuất quần áo: Quá trình sản xuất quần áo rất phức tạp và không thể tránh khỏi việc trải qua những đợt “tẩy rửa” hay nhuộm màu, chống co vải, chống nhăn bằng hóa chất. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe bởi quần áo luôn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và làn da.

Trong quá trình nhuộm màu, rất nhiều chất không bám chắc vào sợi vải. Chúng có thể dễ dàng thôi nhiễm vào da trong lúc mặc, ngấm vào cơ thể và gây hại tới sức khỏe.

Formaldehyde được sử dụng trong quá trình xử lý chống nhăn, giúp bền màu, giữ được độ đàn hồi lâu dài cho vải là một chất khí không màu, có mùi hăng, ở dạng dung dịch được gọi là formone, có tác dụng chống nấm mốc và diệt vi khuẩn nhưng lại dễ gây dị ứng, kích ứng da và nhiều bệnh khác.

Nghiêm trọng hơn, một số chất (điển hình là các hợp chất azo) có thể thâm nhập cơ thể, phân hủy trong hệ trao đổi chất và sản sinh ra chất gây ung thư (aromatic amine). Quá trình phân hủy này diễn ra chủ yếu ở đường ruột, trong gan hoặc trên làn da. Vì thế, quần áo mới khi mua về nên giặt và phơi nắng rồi mới mặc. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm ít qua khâu gia công, làm bằng vải cotton.

Chất bảo quản: Các chất bảo quản, thuốc diệt côn trùng, chất chống độc... được sử dụng trong quá trình cất giữ nguyên liệu, vải thành phẩm, cất giữ quần áo... cũng có nguy cơ gây kích ứng da, nhất là với những người có làn da nhạy cảm hay những người thích mặc quần áo bó sát. Lưu ý, những người dị ứng với formaldehyde không nên mặc những bộ quần áo chống nhăn, bởi vì tính năng này của vải càng nhiều thì tác dụng phụ gây ra càng lớn.

Thói quen thử quần áo mới: Tại các cửa hàng, không thể tránh khỏi tình trạng nhiều người thử cùng một bộ quần áo. Khi đó, những vi khuẩn, virut gây bệnh có thể bám lại và lây truyền từ người này sang người khác, trong đó có những loại vi khuẩn, virut gây ra các căn bệnh rất nguy hiểm như bệnh da liễu, bệnh phụ khoa...

Để tránh bị lây bệnh, khi thử quần áo, nên mặc đồ mỏng ở bên trong để da không phải tiếp xúc trực tiếp với quần áo mới. Nếu phát hiện quần áo có mùi bất thường, bạn không nên thử và cũng không nên mua.

Mặc quần áo chật - Bệnh tật đủ đường

Dị ứng, kích ứng: Việc mặc quần áo quá chật sẽ khiến cơ thể bị cọ xát khi chúng ta hoạt động và di chuyển. Nó dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, trầy xước da. Đặc biệt, quần áo chật còn khiến cho da bị dị ứng, kích ứng, nổi mẩn, phát ban..., nhất là khi chúng ta mặc những bộ quần áo chật được làm từ sợi tổng hợp pha trộn. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những người có làn da nhạy cảm. Do đó, các bạn nên chọn những bộ quần áo có kích cỡ phù hợp hoặc hơi rộng một chút để tạo cảm giác thoải mái (nhất là quần áo lót).

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Khi chúng ta mặc những chiếc quần hay áo quá chật, sức ép lên bụng và dạ dày sẽ tăng lên. Nó gây ứ đọng hoặc trào ngược axit lên thực quản. Điều này chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng ợ nóng. Bên cạnh đó, quần áo chật còn làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây trướng bụng, ợ hơi...

Tác động xấu lên hệ thần kinh và mạch máu: Quần áo chật, bó thường tạo nên áp lực rất lớn lên hệ thần kinh và các mạch máu, khiến cơ thể khó vận động, máu lưu thông kém. Hậu quả là chúng ta sẽ mắc phải chứng tức ngực, đau lưng, đau đầu, hoa mắt, choáng váng, khó thở, thậm chí còn có thể làm giảm thị lực.

Bên cạnh đó, quần áo chật còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến hệ thống dây chằng trên cơ thể, dẫn đến đau nhức và khó khăn trong khi cử động. Không những thế, nó cũng có những tác động không nhỏ lên tim, phổi.

Làm biến dạng “núi đôi”: Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến “núi đôi” biến dạng là do việc mặc áo chật, đặc biệt là áo “chip” bó chặt. Ngoài ra, nó còn gây ra chứng đau tức ngực. Thậm chí, về lâu dài, việc mặc các loại áo và áo “chip” chật còn dễ dẫn đến các căn bệnh ở vòng một, kể cả bệnh ung thư.

Tổn thương cơ, khớp: Các loại quần chật, quần bó (như quần jean bó sát) thường khiến chúng ta cử động rất khó khăn và làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của đôi chân. Do đó, nó khiến chúng ta dễ bị té ngã hơn, đồng thời còn dẫn đến tình trạng tê chân, chuột rút, cứng khớp, teo cơ, đau chân... Về lâu dài, nó làm cho cơ, khớp và xương bị yếu đi, gây nên các căn bệnh về cơ, khớp...

Hệ bài tiết “kêu cứu”: Hệ bài tiết là một trong các phần phải chịu hậu quả nặng nhất khi chúng ta mặc quần áo chật. Lý do là bởi quần áo chật sẽ thắt chặt vùng bụng, bàng quang, làm yếu cơ bụng... Điều này khiến cho hệ bài tiết bị ảnh hưởng, hoạt động kém và gây ra các căn bệnh nghiêm trọng.

Những nguy hiểm với vùng kín: Khi mặc những chiếc quần quá chật, nhất là đồ lót chật, vùng kín sẽ bị bít lại. Với phụ nữ, môi trường yếm khí sẽ khiến cho các vi khuẩn, nấm sinh sôi dễ dẫn đến rất nhiều căn bệnh phụ khoa như nấm âm đạo, viêm nhiễm vùng kín, u nang... Với nam giới, quần quá chật chội, bí bách chính là nguyên nhân khiến cho “cậu nhỏ” bị tăng nhiệt độ, các “tinh binh” dễ bị tiêu diệt và chết yểu.

Theo Trần Trung Việt (Sức khỏe & Đời sống)

Nổi bật