Ô-sin ơi, sao vẫn chưa lên?

27/02/2015 11:21:42

Bây giờ thì chị mới thấm nỗi, thiếu người giúp việc là như thế nào.

Bây giờ thì chị mới thấm nỗi, thiếu người giúp việc là như thế nào.

Mấy ngày nay, chị liên tục gọi điện về quê, giục giã ô-sin lên giúp chị nhưng khổ nỗi, chẳng thấy động tĩnh gì. Lúc thì bảo bà ốm, lúc thì bảo bà ra đồng có việc, khi thì bảo bà hẹn mấy hôm nữa mới lên. Nhưng nếu bà có lên thật mà vài hôm nữa thì chị cũng chết dở.

Mấy năm sinh con và chăm con, bây giờ chị mới càng thấm cái nỗi khó nhọc của người chăm con thơ. Trước giờ chị ỷ lại vào đồng tiền, cứ động tí là thuê người giúp việc nên mọi việc trong nhà từ A đến Z chị không phải mó tay vào. Về nhà thì chỉ ôm con, chơi với con một tí, cho con ăn xong là nhờ người giúp việc ru con ngủ. Chị có việc lại cắm đầu vào máy tính, gõ gõ lách lách, và chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Thế nên, con cái chị giao phó hết cho người giúp việc.

Thật là may khi ngày đó chị lại tìm được một người giúp việc như ý, với chị, bà là người chịu khó, biết việc lại biết sống. Nhưng mà, người ta nói rồi, có đi thì mới có lại. Dù bà dễ tính nhưng chị lại hay được nước lấn tới, thế nên càng ngày bà càng chán sống cùng chị. Lắm lúc bà lấy tư cách là người lớn tuổi, góp ý chân thành với chị thì chị lại bĩu môi, tặc lưỡi nghĩ rằng, bà chỉ là người giúp việc, có tư cách gì mà nói chị giống như mẹ chị vậy. Chị chẳng bận tâm tới những góp ý của bà, chỉ coi bà như ‘bà già lắm chuyện, cứ chăm con là được, việc khác không nên xen vào’. Nên chuyện gì bà nói là chị lái sang chuyện con cái, nhà cửa ngay. Chị không thích bàn chuyện gia đình với người giúp việc, chị tự quyết hết…

Thật là may khi ngày đó chị lại tìm được một người giúp việc như ý, với chị, bà là người chịu khó, biết việc lại biết sống. (ảnh minh họa)

Chị biết rõ bà là người chăm chỉ, chịu khó, yêu thương con chị thật nhưng một khoản thưởng hậu hĩnh trước Tết, chị cũng không dành cho bà. Vì cái tính ki ki bo bo của chị. Lúc nào chị cũng nghĩ, lương người giúp việc như vậy, sống ở nhà chị lại có điều kiện thế thì là hơn hẳn nhà khác rồi, còn đòi hỏi gì. Chị không hiểu, đôi khi vài đồng tiền thưởng hay những câu nói ngọt ngào, lời động viên này nọ lại khiến người khác cảm thấy mình được coi trọng hơn. Nhất là với người giúp việc, một lời động viên của cô chủ, một lời khen ngợi hay sự gần gũi của chủ nhà sẽ khiến họ cảm thấy vui vẻ đón nhận nhiệm vụ của mình.

Chị tiết kiệm nên đến ngày về nghỉ Tết, chị cũng chỉ biếu bà được có chút ít. Chị không hay biết, những gia đình khác họ phải cưng nựng ô-sin, phải nịnh nọt ô-sin, còn có người đưa cả người giúp việc về quê ăn Tết. Họ sợ rằng, nếu mình không dành một khoản lương thưởng hậu hĩnh cho người giúp việc thì ra Tết, họ sẽ chẳng nhận được thông tin gì từ họ nữa. Với lại, quan trọng là ở tấm lòng của con người. Dù là người giúp việc hay không cũng đã sống chung với nhau cả năm trời dưới mái nhà. Phải là người dưng thì cũng có tình cảm với nhau, huống hồ mình còn muốn gửi gắm con cái mình và những việc quan trọng trong nhà cho họ. Nên đối với họ bằng sự chân thành và mức lương, thưởng hậu hĩnh sau 1 năm làm việc cũng là điều nên làm. Con người ta dù đi đâu thì Tết cũng về sum vầy bên gia đình, được ở cạnh con cái. Nếu chị hiểu được điều đó và dành cho bà một chút tình cảm, tiền bạc, coi như là sự động viên tin thần thì sẽ tốt hơn. Nhưng chị đã không làm thế…

Chị chẳng buồn gửi một lời chúc Tết tới bà, cũng không hỏi han xem thời gian qua bà ăn Tết vui không. Nhiều người khéo léo với ô-sin, còn biết gọi điện chúc Tết, thậm chí còn lo lắng vì sợ sau Tết người giúp việc không lên thì lại khổ. Chị còn cẩn trọng tính toán từng đồng tiền thưởng cho bà và thế là giờ… Bà tìm hết lý do này đến lý do khác…

Chị chẳng buồn gửi một lời chúc Tết tới bà, cũng không hỏi han xem thời gian qua bà ăn Tết vui không. (ảnh minh họa)

Khi không có người giúp việc, chị phải xin nghỉ nốt mấy ngày Tết, có lẽ là nghỉ đến rằm để tính kế mời ô-sin lên làm tiếp. Chị càng thấu hiểu, trước giờ bà chăm con chị vất vả thế nào. Giờ con còn không theo chị bằng người giúp việc. Con khóc khi không có bà cho ăn, chị cũng lực bất tòng tâm. Vì không chuyên việc cho con ăn nên vật vã mãi mới xong một bữa…

Ô-sin ơi, bao giờ mới lên! Ngày nào chị cũng câu nói đó, chị lẩm bẩm vì quá nhọc khi chăm con. Nếu bà không lên, chị thật sự không biết trông cậy vào ai. Tìm người mới thì quá khó vì đầu năm đầu tháng, còn nếu chị chăm con thì chắc phải nghỉ làm. Giờ thì chị càng hiểu, việc đối nhân xử thế, khéo léo níu giữ một người là quan trọng thế nào. Với người giúp việc cũng cần hết lòng, hết dạ, đối xử tốt và tôn trọng họ thì họ sẽ đối đáp lại với gia đình mình như vậy. Muốn được tin tưởng thì phải học cách tin tưởng người khác.

Như chị bây giờ, đang chờ dài cổ, chỉ hi vọng vài câu nài nỉ của chị sẽ làm người giúp việc động lòng mà lên tiếp tục sự nghiệp trông con cho chị…

Theo Bảo Bối (Khampha.vn)

Nổi bật