Việc ra khỏi phòng, đứng giữa không gian bên ngoài liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ (PN) sau sinh? Có phải do PN phương Tây có sức khỏe tốt hơn PN phương Đông nên mới có thể “phong phanh” như vậy? Phải chăng PN phương Tây không cần phải “ở cữ”?... Đó là hàng loạt những thắc mắc của chị em nhân sự kiện này.
Theo phân tích của BS Thông, chắc chắn công nương nước Anh đã được sự chăm sóc cực tốt, theo dõi kỹ của đội ngũ chuyên môn cả trước và sau khi sinh. Hiện đang vào mùa hè, thời tiết ở nước Anh mát mẻ và dễ chịu nên việc Công nương Kate không mặc áo khoác hay quàng khăn cũng là điều dễ hiểu. Riêng em bé, đã được ủ ấm rất tốt với mũ, khăn quấn bằng len. Vì vậy, việc xuất hiện trước công chúng chỉ vài phút không gây hại gì cho sức khỏe của mẹ và bé.
BS Nguyễn Ngọc Thông cũng có những tư vấn để PN sau sinh có thêm kiến thức về việc “ở cữ” tốt hơn. Cụ thể, trong hai giờ đầu sau sinh, sản phụ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn dưới sự theo dõi của đội ngũ y-bác sĩ. Sau khi rời khỏi phòng hồi sức, sản phụ cần tự biết cách chăm sóc mình có sự hỗ trợ của người thân.
Từ sáu giờ sau khi sinh, sản phụ đã có thể và nên ngồi dậy sớm vì việc này giúp cơ thể chóng hồi phục. Nên bắt đầu từ một số việc tự chăm sóc cá nhân nhẹ như thay áo, vệ sinh vùng ngực để cho bé bú. 12 giờ sau sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng để giúp tử cung co bóp tốt hơn và tống xuất sản dịch nhanh hơn.
Thời gian này, sản phụ tiếp tục được đội ngũ chuyên môn theo dõi về huyết áp, tình trạng ra huyết âm đạo, hỗ trợ vệ sinh vùng âm đạo. Hai - ba ngày sau sinh, sản phụ đã có thể tắm - gội nhanh bằng nước ấm.
Giữ cơ thể sản phụ sạch sẽ là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở vùng tuyến vú, âm đạo. Vì vậy, khoảng sáu giờ sau sinh, sản phụ đã có thể thấm nước vừa đủ ấm vào khăn và lau cơ thể thật nhanh.
Mọi sinh hoạt, vận động như vệ sinh răng miệng, thân thể; xem ti vi, đọc sách báo vẫn nên được thực hiện ở mức độ phù hợp. Việc vận động nhẹ không hề ảnh hưởng đến tình trạng sa tử cung, sa cơ quan sinh dục như dân gian thường nói mà có thể giúp cơ thể sản phụ nhanh chóng phục hồi.
Nhiều sản phụ được gia đình cho xông sau sinh, việc này có tác dụng tốt, làm toát mồ hôi, nhưng không nên xông quá nóng và cũng không lấy việc xông thay thế cho việc tắm. Sau khi xông, phải uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất.
Sản phụ và em bé có thể nằm trong phòng có gắn máy lạnh để điều hòa nhiệt độ ở mức thích hợp, không nóng hay lạnh quá. Lưu ý, cần gắn thêm quạt hút để đối lưu không khí. Tuy nhiên, không nên đóng kín cửa phòng và bật máy lạnh thường xuyên vì sẽ khiến không khí trong phòng ẩm mốc, vi khuẩn phát triển; chỉ nên sử dụng khi nhiệt độ môi trường tăng cao quá mức.
Việc xông, hơ để sản phụ chắc da, chắc thịt như quan niệm dân gian là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, đặc biệt đối với những vùng như khối cầu tử cung, dưới tác động của nhiệt sẽ càng bị dãn ra và gây chảy máu nhiều hơn. Việc bôi, thoa, uống nước tiểu; dùng các loại lá cây cũng cần tránh vì chưa có cơ sở khoa học. Nếu không may, có thể gây nhiễm trùng cho sản phụ.
Tuyệt đối không để nguồn than trong phòng kín, bao gồm cả than đã được quạt hồng vì có thể gây ngộ độc, tử vong cả mẹ lẫn con.
Chế độ dinh dưỡng sau sinh * Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng. * Tránh kiêng khem, nên ăn nhiều rau, củ, trái cây. * Uống nhiều nước, khoảng 3 lít/ngày. * Tránh thức ăn chua, quá lạnh, quá nóng, có chất kích thích như bia, rượu, cà phê, vì sau sinh men răng của sản phụ thường không tốt (do thiếu canxi) nên những chất này có thể làm răng bị ê buốt và hư men răng. Ngoài ra hệ tiêu hóa, dạ dày dễ bị kích thích khi dùng những thức ăn này gây triệu chứng tương tự viêm dạ dày. * Hạn chế ăn quá mặn vì có thể gây cao huyết áp. BS LÊ VĂN HIỀN (Phó giám đốc y khoa, Bệnh viện Mê Kông TP.HCM) |