“Bao năm chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng có cảm giác làm cha làm mẹ. Chồng tôi vui lắm, anh nói Tết này về quê mổ lợn ăn mừng... ”, chị Hằng chia sẻ.
Chị Thanh Hằng ở Lai Châu đang chuẩn bị về quê đón Tết sau nhiều ngày tháng ăn ở tại bệnh viện. Chị không giấu nổi niềm vui vì Tết này đã mang thai. Chị Hằng tâm sự, hai vợ chồng lấy nhau đã hơn 4 năm mà không có con. Đi khám thì kết quả cả hai đều bình thường nhưng không hiểu sao lại không thể thụ thai. Cả hai đã chạy chữa rất nhiều nơi, dùng cả đông tây y nhưng đều bất thành. Mang tiếng “cây độc”, chị bị nhà chồng hắt hủi và ghét bỏ. Sau 4 năm chật vật chữa chạy mà không thành công, hai vợ chồng chị quyết định đến bệnh viện để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ dặn dò chị em sau khi làm thủ tục về quê ăn Tết. Ảnh: Lê Nga. |
Cũng chung niềm vui sau bao năm tìm kiếm mới có con, anh Hải ở Hài Phòng nhẹ nhàng dìu vợ xuống quầy thanh toán viện phí để về nhà chuẩn bị đón Tết. Anh Hải cho biết, vợ chồng hiếm muộn đã 3 năm nay do vợ anh bị ứ dịch vòi trứng, không thể thụ thai. Lần đầu làm thụ tinh ống nghiệm không thành công, hai vợ chồng đều rất vô vọng, song được sự động viên của các y bác sĩ, kết quả thụ tinh lần thứ hai đã như ý. Vợ anh đang mang bầu ở tuần thứ 10. Thai nhi đã ổn định, anh lên đón vợ về quê ăn Tết để gia đình được sum họp.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn cho biết, bệnh viện đã giúp rất nhiều cặp vợ chồng có con. Tết cận kề, tin vui đã có, vợ chồng, mẹ con hồ hởi về quê đón Tết. Nhiều trường hợp chuyển phôi xong cũng xin về ăn Tết. Song, cũng không ít cặp vợ chồng phải ăn Tết tại bệnh viện vì nhiều lý do.
Chị Loan 32 tuổi ở Hà Nam phải nằm theo dõi tại bệnh viện buồn bã cho biết, đang mang thai ở tuần thứ 9, thai có dấu hiệu sảy nên chị bắt buộc phải ở viện để tiện điều trị. Chị Loan kể, vợ chồng chị đã có một cô con gái lớn, chị thụ thai nhiều lần nhưng vẫn không thể có đứa thứ hai. 2 lần mang thai tự nhiên thì cả hai lần đều chửa ngoài dạ con.
Sau 5 năm vật lộn, vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chị có thai ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên, tuy nhiên đến tuần thứ 8 thì bị chảy máu, thai dọa sảy nên đã phải nằm điều trị tại viện. "Tết này xa nhà rất buồn nhưng không sao, tất cả là vì con, nếu thai nhi ổn định, mẹ tròn con vuông thì Tết năm sau mẹ con tôi lại vui vẻ đón Tết tại nhà...", chị Loan tâm sự.
Bác sĩ Hiền cho biết, trước đây một số tình trạng vô sinh được coi là vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ y học, từ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tới đông lạnh mô buồng trứng và thậm chí là cấy ghép toàn bộ tử cung, việc có con đối với những người bị vô sinh hoặc hiếm muộn không còn là vấn đề bất khả thi. Trong đó, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả.