Những sự thật ít ngờ phía sau tờ kết quả ADN

06/08/2017 13:29:00

Nhận tờ kết quả ADN, chị Nhung khóc nấc khi biết rằng bao lâu nay chị đã ngờ oan cho cha mình một tội tày trời.

Nhận tờ kết quả ADN, chị Nhung khóc nấc khi biết rằng bao lâu nay chị đã ngờ oan cho cha mình một tội tày trời.

Chị Nhung cho biết, 3 năm trước, cô em gái bị bệnh tâm thần của chị bỗng nhiên có thai mà không biết tác giả là ai. Sau khi loại trừ hết các "thủ phạm", chị nghi do chính cha mình bởi ông có tính rượu chè, trăng hoa sau khi mẹ chị bỏ đi vì cảnh nhà nghèo túng. Chị Nhung hỏi bố điều này, đã bị ông cầm gậy đuổi khắp xóm. Ông còn thề độc để nhiều người nghe thấy rằng "tao mà làm trò đồi bại đó thì ra đường sẽ bị đụng xe". 

Bẵng đi hai năm sau, trong một lần ra đường buổi tối, ông bị xe đâm và từ đó phải nằm liệt giường. Từ đó, những lời đồn đại khắp làng trên xóm dưới rằng ông chính là người hại con gái nên mới bị ứng lời nguyền. Thấy cha vừa đau bệnh vừa khổ sở bởi những lời xỉa xói, chị Nhung quyết phải tìm cho bằng được sự thật. Mang mẫu tóc của cháu trai và cha đến trung tâm, chị nói rằng, kết quả này hoặc sẽ giúp bố mình rửa sạch vết nhơ, hoặc sẽ khiến cả ba bố con chị phải bỏ xứ mà đi. 

Khi nhận tờ giấy khẳng định "không phải quan hệ cha con", chị khóc nấc nói rằng, chính vì sự nghi oan và một lời nói hàm hồ của chị mà khiến người sinh thành phải chịu bao khổ sở. Chị sẽ mang tờ kết quả này về để giải tỏa hết mọi điều tiếng cho cha.

Bà Nga cho biết, xét nghiệm ADN chỉ cho ra một kết quả duy nhất, hoặc "có" hoặc "không", nhưng nhiều khi đằng sau đó là những câu chuyện, cảnh đời vô cùng phức tạp.

Một trường hợp trung tâm mới xử lý gần đây khiến các chuyên gia xét nghiệm cũng phải bất ngờ. 

Vợ chồng chị Hòa được Đại sứ quán giới thiệu sang Trung tâm làm xét nghiệm ADN trước khi cấp visa định cư nước ngoài diện vợ theo chồng. Chồng là người Đài Loan, chị Hòa muốn sang cùng khi đang mang thai 4 tháng và được chỉ định chọc ối lấy mẫu xét nghiệm quan hệ bố-con. Kết quả khiến cả nhóm thực hiện choáng váng: Thai nhi là con của bố nhưng không phải con mẹ. 

Chưa từng gặp trường hợp như thế, nhân viên xét nghiệm sợ mình lấy nhầm mẫu của người mẹ. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, với quy trình chặt chẽ lấy mẫu và xét nghiệm như trung tâm vẫn làm thì không thể có chuyện nhầm lẫn nên đã gọi điện ngay cho người vợ: "Cháu thụ tinh nhân tạo ở đâu vậy?". Bị hỏi bất ngờ, chị Hòa kể rằng mình làm thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Chị sững người khi nghe thông báo, theo kết quả ADN, em bé không phải con mình. 

nhung-su-that-it-ngo-phia-sau-to-ket-qua-adn

Ảnh minh họa: Prem Jagyasi.

Sau khi được động viên, chị Hòa mới trấn tĩnh lại và kể, sau cuộc hôn nhân đầu tan vỡ lúc chưa đầy 30 tuổi, chị sang Đài Loan làm giúp việc và vài năm trước đã quen người chồng hiện tại. Anh chị sau đó về Việt Nam gây dựng một cơ sở kinh doanh. Tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với mình nhưng mấy năm sau kết hôn, chị chưa có con. Vài tháng trước, đi khám, biết mình bị trứng lép, tuổi lại gần 40, khả năng thụ thai không cao, chị Hòa đã xin trứng của người khác để thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi cấy phôi vào bụng mình.

Sau đó ít lâu, vợ chồng chị vui mừng khi có thai và bàn luôn kế hoạch trở về quê chồng sinh sống vì điều kiện ở đó tốt hơn. Người phụ nữ nông thôn vốn mới học hết lớp 9 cứ đinh ninh rằng thai lớn lên trong bụng mình thì khi xét nghiệm sẽ ra kết quả em bé là con mình. 

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, trường hợp thai nhi là con của bố nhưng không phải của mẹ thì đây là lần đầu tiên trung tâm gặp. 

"Vì sự riêng tư của khách hàng, chúng tôi sau này cũng không hỏi thêm xem liệu họ có được cấp visa định cư theo chồng hay không", bà Nga kể.

nhung-su-that-it-ngo-phia-sau-to-ket-qua-adn-1

Bà Nguyễn Thị Nga tiếp một người phụ nữ muốn xét nghiệm mẫu ADN. Ảnh: MD.

Giám đốc trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, có rất nhiều trường hợp tờ giấy kết quả phơi bày sự thật khiến không chỉ người trong cuộc sốc mà cả các chuyên viên cũng bất ngờ. 

Đầu năm 2016, trung tâm tiếp nhận yêu cầu xác định quan hệ bố con của một gia đình tại Hòa Bình. Anh Mạnh bị người nhà đưa đến trung tâm cùng hai cô con gái song sinh 2 tuổi nhưng trông hoàn toàn khác biệt: một bé tóc rậm, xoăn, bé kia tóc thẳng, lơ thơ. Vì điều này, từ ngày có con, vợ chồng anh Mạnh phải nghe bao lời xì xào. 

Dù đã được cảnh báo trước, khi nhận tờ kết quả, anh Mạnh vẫn sốc không nói lên lời: Trong hai bé sinh đôi, chỉ có một là con anh, bé kia có tới 9 gene lệch với gene của bố (trong khi thông thường chỉ cần 2 gene lệch là đã được kết luận là không phải cha con). Sợ có sự nhầm lẫn trao các bé khi sinh ở bệnh viện, trung tâm đề nghị người mẹ trực tiếp tới viện để xét nghiệm với hai con. Phân tích gene lần này khẳng định, chị là mẹ của cặp song sinh.

"Đó là lần thứ hai tôi gặp ca trẻ sinh đôi không cùng bố trong mấy chục năm trong nghề. Đây là trường hợp vô cùng hiếm, trên thế giới cũng chỉ ghi nhận khoảng hơn mười ca", bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Theo bà, lý do của hiện tượng đặc biệt này là: Trong một số tình huống đặc biệt, cơ thể người phụ nữ có thể rụng hai trứng trong một tháng thay vì chỉ rụng một trứng như bình thường. Ở các thời điểm rụng trứng đó, nếu họ quan hệ với hai người đàn ông thì có khả năng hai trứng được thụ tinh từ hai tinh trùng của hai người khác nhau.

Bà Nga cho biết, một số ngoại lệ ít gặp ADN bị lợi dụng để dựng chuyện lừa dối. Khi đó, nếu người trong cuộc không tỉnh táo và có các kiến thức khoa học, tìm hiểu ngọn nguồn sự việc thì khó gỡ được mớ bòng bong họ vô tình bị vướng vào. Đây chính là tình huống mà anh Thạch (Hải Phòng) gặp phải.

Doanh nhân 37 tuổi này tới trung tâm cùng một cô gái trẻ đang bồng đứa bé trên tay. Gương mặt cương nghị lộ rõ vẻ tức giận, anh yêu cầu xét nghiệm quan hệ cha con với em bé, chìa thêm một tờ đơn kiện, nói lớn: "Nếu các vị làm sai, tôi sẽ kiện các vị vì tội gian dối, đồng lõa lừa đảo". Khi có kết quả xác nhận mình chính là bố em bé, anh nhảy dựng lên: "Không thể như thế này được. Tôi không biết cô ta là ai, làm sao đứa trẻ này là con tôi được". 

Thấy trong chuyện này có gì uẩn khúc, bà Nga hỏi riêng anh Thạch: "Anh có người anh em nào không?". "Tôi có một em trai sinh đôi. Nó làm tôi buồn lắm. Bao năm rồi chỉ sa đà ăn chơi, không chịu làm ăn gì, bảo mãi không được", anh Mạnh kể. "Anh thử nhổ vài sợi tóc của cậu ấy mang tới đây", bà Nga nói với anh.

Sau khi nhận mẫu tóc anh Mạnh lấy từ người em trai, bà Nga cho chạy máy phân tích và kết quả đúng như bà dự đoán: Cả hai là anh em song sinh cùng trứng, mẫu gene y hệt nhau. Như vậy có thêm khả năng em bé kia là con của người em chứ không phải anh Mạnh.

Bí mật thuê người tìm hiểu, cuối cùng, anh Mạnh cũng phát hiện ra sự thật: Cô gái kia từng chơi bời với em trai anh và có thai. Không hiểu vì lý do gì, cô ta biết anh và em trai mình sẽ trùng khít về mẫu gene nên nảy ra ý tưởng mang con tới bắt vạ anh Mạnh để tống tiền. "Người đàn bà này còn dọa nếu tôi không chu cấp, cô ta sẽ gửi tờ kết quả ADN cho vợ và cả công ty, đối tác của tôi. Rất may trong chuyện này, cậu em trai tôi không đồng lõa với cô ta nên khi biết sự việc, nó đã giúp tôi vạch trần mọi chuyện", anh Mạnh kể lại. 

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, các cặp song sinh cùng trứng thì mẫu gene sẽ giống nhau. Vì điều này, ở nhiều vụ án trên thế giới, điều tra viên rất khó khăn khi xác định chính xác ai trong một cặp sinh đôi là người thực hiện hành vi phạm tội. Khi đó, ngoài phân tích gene, người ta phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để nhận ra thủ phạm. Trong cuộc sống đời thường, kết quả trùng khớp ADN giữa một cặp song sinh như vậy đôi khi cũng khiến người trong cuộc gặp khó.

Theo V.Linh (VnExpress.net)

Nổi bật