Hôi miệng khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Nguyên nhân gây hôi miệng có thể do bệnh lý của lưỡi, bệnh nội khoa gây ra...
Nhưng từ đó, người Việt truyền đời bị mắc bệnh thối mồm, gọi nhẹ nhàng là hôi miệng. Nhìn cái tật ấy qua lăng kính y khoa cũng là một điều cần bàn.
Nguyên nhân hôi miệng từ đâu?
Trước hết, bàn về khoang miệng
Trong cơ thể có nhiều khoang: khoang miệng, khoang bụng, khoang ngực…
Khoang đầu tiên phải nói đến là khoang miệng. Khoang miệng tính ngược từ nắp thanh thiệt trở ra đến môi và cửa mũi, có cả nhánh sang tai nữa. Nên phải xét hết các nhánh này để định hình và xét bệnh lý liên quan.
Theo một số định nghĩa, miệng là phần đầu tiên của hệ tiêu hóa có chức năng nhận, nghiền nát, trộn thức ăn nhuyễn với nước miếng. Ngoài ra ở người, miệng còn đóng vai trò giao tiếp. Giọng nói được tạo ra ở cổ họng, lưỡi, môi và hàm, hay âm thanh được tạo ra từ khoang miệng.
Những bệnh lý của mũi như trĩ mũi, viêm xoang sàng, viêm mũi… gây ứ dịch, tạo mủ cặn lâu ngày, chắc chắn hơi thở cũng hôi
Khoang miệng gây/bị bệnh liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau
Hôi miệng là một tật có nhiều nguyên nhân. Khoang miệng thông tới đâu, nguyên nhân hôi hơi thở ra từ đó.
Khoang miệng thông với đường tiêu hóa, nên nếu van thượng vị hở, hơi thở ra đầy mùi thức ăn lên men thì hôi là chắc.
Khoang miệng thông với khoang mũi, nên những bệnh lý của mũi như trĩ mũi, viêm xoang sàng, viêm mũi… gây ứ dịch, tạo mủ cặn lâu ngày, chắc chắn hơi thở cũng hôi.
Miệng tham gia hô hấp. Hô là thở ra, còn hấp là hít vào. Không khí ra - vào phổi qua đường mũi, đường miệng. Chất lượng khí thở vào thì nhờ giời, nhờ người. Ở đâu sạch, ít ô nhiễm thì người ta được hít thở khí sạch, không thì đành chịu. Đến Michael Jackson mua oxy sạch về thở, cũng chả khá gì hơn mấy ông bà nhà quê thở toàn không khí đầy mùi phân bò, phân gà…
Chất lượng khí thở khác nhau, chắc chắn có ảnh hưởng tới cơ thể con người. Nhờ cơ chế tự bảo vệ, thanh lọc của cơ thể và do chưa có nghiên cứu sâu nào về chất lượng khí ảnh hưởng đến cuộc sống con người, nên tạm dừng ở chỗ: nếu không khí bị ô nhiễm hóa học, sinh học… nặng nề cũng tác động đến tuổi thọ và sức khỏe.
Tác động xấu là chắc, song kết luận giảm bao nhiêu tuổi, gây bệnh gì thì khó. Khác hẳn với chất lượng nước và thức ăn, những thứ mà nếu xấu, hấp thụ qua đường tiêu hóa gây bệnh tật rất rõ rệt, được định tính, định lượng cụ thể.
Ở người trưởng thành bình thường, thể tích khí lưu thông mỗi lần thở khoảng 0,5 lít. Thể tích khí dự trữ hít vào thêm được tối đa sau khi hít vào bình thường khoảng 1,5 lít - 2 lít. Thể tích khí dự trữ thở ra tối đa thêm được sau khi thở ra bình thường khoảng 1,1 lít - 1,5 lít.
Thể tích khí cặn là thể tích khí còn lại trong phổi sau khi đã thở ra tối đa. Bình thường thể tích khí cặn khoảng 1 lít - 1,2 lít. Tuy gọi là khí cặn song lại là thành phần rất quan trọng: sự trao đổi khí - máu diễn ra ở lượng khí cặn này. Thêm nữa, chất lượng khí cặn của mỗi người khác nhau, nên hơi thở cũng có mùi khác nhau.
Các bệnh lý của phổi - phế quản cũng gây hôi hơi thở. Viêm phổi hoại tử, viêm phối do lao… hơi thở rất hôi, thậm chí hôi đặc biệt. Mấy bác sĩ chuyên khoa lao phổi bạn tôi, ai cũng có khả năng đi qua phòng nào có người bị lao thì chỉ ngửi qua cũng biết.
Bệnh lý răng miệng như viêm quanh răng, viêm cuống răng, viêm tủy răng, cao răng lưu cữu. Do không chải răng kỹ sau bữa ăn, do thức ăn thừa giắt lại trong kẽ răng và lên men… cũng gây hơi thở cực hôi.
Do bệnh lý của lưỡi, viêm tưa chảy máu… cũng gây hôi miệng
Bệnh lý của xoang, như viêm xoang hàm, xoang sàng, viêm nhiễm tạo mủ… thì hơi thở hôi hám là chắc. Viêm Amygdale gây nên hai, ba ổ mủ hai bên thành họng và trên vách gây hơi thở hôi, tiếng thở khò khè rất điển hình.
Khoang miệng thông với tai giữa do vòi Eustache, nên bệnh lý của miệng và tai liên quan rất nhiều đến nhau. Trẻ em viêm họng, viêm xoang, viêm Amygdale hay liên thông với viêm tai giữa. Nên người xưa xếp Tai – Mũi – Họng vào một chuyên khoa trước khi tách thành các chuyên khoa Tai, Mũi, Họng riêng biệt như bây giờ.
Khi vòi Eustache bị tắc, gây bệnh lý, gây ù tai. Nếu áp lực hai bên màng nhĩ không đều, người ta thường khuyên hít sâu, bịt mũi miệng thở ra mạnh để làm thông vòi Eustache, cân bằng áp lực hai bên màng nhĩ, tránh được ù tai khi đi tàu bay, hay lặn, hay xuống đèo dốc nhanh quá.
Hôi miệng đôi khi do một số bệnh nội khoa gây ra, hơi thở rất đặc trưng:
- Bệnh gan hoại tử gây hơi thở mùi rau cỏ chết thối...
- Bệnh thận thở mùi tanh cá...
- Bệnh ung bướu có mùi máu thối, hoại tử...
- Một số phụ nữ vào chu kỳ kinh cũng có rối loạn về chất lượng hơi thở.
- Uống một số thuốc cũng gây hôi miệng.
- Già yếu, chuyển hóa không tốt, hôi hám cũng thường.
Tóm lại, nhiều nguyên nhân lắm, ông bà nào có hàng xóm hôi miệng giống nguyên nhân nào thì chữa nguyên nhân ấy.
Nếu không, mua trầm về nhấm hay lấy xạ hương ngâm rượu mà súc miệng trước khi đi công chuyện. Cùng nữa thì súc miệng Listerin.
Hơn nữa, mời đi bệnh viện khám bệnh ạ!
Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng (Soha/Trí Thức Trẻ)