Chảy máu răng có thể chỉ là viêm lợi nhưng đó còn là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng hơn đang diễn ra trong cơ thể bạn.
"Chảy máu răng không phải là bình thường. Đó là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về nướu lợi do vi khuẩn tích tụ và bám trên răng", Sally Cram, chuyên gia nha khoa tiết lộ.
Chảy máu chân răng mỗi khi đánh răng thường là do các bệnh lý liên quan đến nướu như bị viêm lợi hay viêm nướu. Chứng viêm nhiễm này chủ yếu là do các ổ vi khuẩn tích tụ trú ngụ trong các mảng bám thức ăn ở kẽ và chân răng gây ra.
Loại bệnh lý này có thể phá vỡ cấu trúc răng, làm hỏng men răng, sâu răng, rụng răng sớm, hôi miệng, thậm chí còn là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim. Tuy nhiên, đánh răng mạnh không phải là nguyên nhân duy nhất làm tổn hại đến nướu vốn đã yếu và bị viêm nhiễm sẵn.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng chảy máu chân răng:
1. Bỏ sót một vị trí nào đó khiến răng lợi bị viêm nhiễm
Khi đánh răng, nếu bạn bỏ lỡ một vị trí nào đó mà không làm sạch được thức ăn bám ở kẽ răng hay chân răng thì chỉ cần trong 24 giờ đồng hồ là vi khuẩn sẽ gây viêm nhiễm (lý do gây chảy máu chân răng) ở nướu. Do vậy, khi đánh răng bạn nên đánh chậm và kỹ để không bị bỏ sót bất cứ vị trí nào – Cram nói.
Bạn có thể đánh răng hoặc cũng có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng sau khi ăn. Nếu bạn phát hiện thấy bị chảy máu răng khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa trong 1-2 tuần thì nên đến gặp bác sỹ nha khoa để được tư vấn và xử lý sớm.
2. Thay đổi hormone
"Khi hormone trong cơ thể thay đổi, đặc biệt là ở tuổi dậy thì, mang thai, đến ngày, hoặc mãn kinh thì cơ thể cũng sẽ nhạy cảm hơn với các mảng bám ở chân và kẽ răng nên rất dễ bị chảy máu", Cram cho biết thêm.
Trong giai đoạn này, bạn có thể dùng nước súc miệng chuyên dụng hoặc dùng chỉ nha khoa để thay thế cho việc đánh răng mỗi ngày khi chờ kết thúc quá trình thay đổi hormone.
3. Stress, mất ngủ hoặc ăn uống tùy tiện
"Chúng ta thường thấy những người hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng là sinh viên bởi họ ăn uống tằn tiện, thiếu chất, lại hay ngủ muộn, căng thẳng, áp lực do bài vở, thi cử. Tất cả những yếu tố này khiến cho cơ thể của bạn bị mất sức đề kháng, không đủ khả năng để kháng viêm, chống lại những con vi khuẩn trong khoang miệng", Cram cho biết.
Do vậy, để răng chắc khỏe, không bị viêm nhiễm, bạn cũng phải nên chú ý đến chế độ ăn uống (có chứa nhiều chất bổ, chất xơ, vitamin C, D giúp nướu khỏe hơn) và ngủ nghỉ đều đặn, kết hợp giữa học hành, thi cử và tập luyện thường xuyên.
4. Do thuốc uống
Một số loại thuốc mà chúng ta vẫn thường hay uống như thuốc chống trầm cảm hay thuốc hạ huyết áp thường hay gây khô miệng, làm cho nướu đỏ, sưng, đôi khi còn có máu, hoặc giảm khả năng tiết nước bọt khiến cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở dễ dàng hơn.
Trong trường hợp này, bạn nên xin tư vấn từ bác sĩ nha khoa hay bác sỹ điều trị để được hỗ trợ và khắc phục tình trạng khô miệng, tiết ít nước bọt.
5. Có vấn đề nghiêm trọng hơn đang diễn ra
Các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh truyền nhiễm, bạch cầu, HIV có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên làm cho nướu bị sưng và chảy máu răng. Nếu thấy máu chảy liên tục trong 1-2 tuần mỗi khi đánh răng, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để xác định xem liệu bạn có cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa hay không. Bảo vệ răng cũng là bảo vệ chính sức khỏe của bạn.
Theo Soha.vn/Trí Thức Trẻ