Những người có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng

14/07/2015 10:28:25

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng cao hơn với phụ nữ trong gia đình có người mắc bệnh, chị em bị rối loạn chức năng buồng trứng bao gồm vô sinh, không có con và sảy thai nhiều lần.

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng cao hơn với phụ nữ trong gia đình có người mắc bệnh, chị em bị rối loạn chức năng buồng trứng bao gồm vô sinh, không có con và sảy thai nhiều lần.

Bác sĩ See Hui Ti, chuyên gia ung thư thuộc Trung tâm Ung thư Parkway Singapore, cho biết ung thư buồng trứng được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đối với phụ nữ. Các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn. Khoảng 1/3 số trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã quá muộn cho việc phẫu thuật. Hiện nay có những tiến bộ vượt bậc về thuốc điều trị, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo chị em cần lưu ý phát hiện sớm ung thư buồng trứng mới mong điều trị đạt hiệu quả cao.
 

Ảnh minh họa: Healthcare.

Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng cao hơn ở nhóm phụ nữ sinh ra trong gia đình có người từng bị bệnh này, ở các quốc gia đã công nghiệp hóa và chị em có rối loạn chức năng buồng trứng bao gồm vô sinh, không có con và sảy thai nhiều lần.

Ung thư buồng trứng phổ biến đối với phụ nữ sau khi mãn kinh, bệnh cũng có thể xảy ra ở bé gái độ tuổi 12. Y văn ghi nhận hơn 80% trường hợp mắc bệnh mà không có bệnh sử gia đình. Với chị em sinh ra trong gia đình có người bị ung thư buồng trứng, nguy cơ mắc bệnh này có thể cao gấp từ 3 đến 10 lần so với bình thường.

Những dấu hiệu thường gặp của ung thư buồng trứng là đầy bụng, phù chân, sụt cân, táo bón hoặc đau bụng kéo dài..., dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảnh thông thường nên chị em dễ bỏ qua. Bác sĩ See nhớ một trường hợp nữ bệnh nhân 42 tuổi. Ban đầu chị cảm thấy vùng bụng hơi khó chịu nhưng nghĩ do nhiễm trùng đường tiểu nên không chú ý để kiểm tra. Ít lâu sau xuất hiện những cơn vọp bẻ, mệt mỏi, đổ mồ hôi, chị mới đi khám. Bác sĩ phụ khoa siêu âm phát hiện một khối u 10 cm ở buồng trứng bên phải bệnh nhân và các phương tiện chẩn đoán sau đó cho thấy khối u ung thư, cần phẫu thuật.

Bác sĩ See cho biết có nhiều phương pháp điều trị cho từng loại ung thư buồng trứng khác nhau, nhìn chung đa số bệnh nhân cần được phẫu thuật rộng. Sau phẫu thuật, 90% bệnh nhân cần hóa trị thêm. Trường hợp nữ bệnh nhân trên, sau khi được phẫu thuật lấy khối u, chị đã trải qua 6 chu kỳ hóa trị trong 3 tháng. Kết quả chụp PET kiểm tra sau đó xác định bệnh của chị đã thuyên giảm rõ rệt.

"Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng có nhiều tiến bộ trong hơn một thập kỷ qua. Cách đây 10 năm bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn muộn chỉ có từ 5 đến 10% cơ hội sống sót trong vòng 5 năm. Ngày nay, tỷ lệ này đã được nâng lên từ 40 đến 50%", bác sĩ chia sẻ.
 
Theo Thi Ngoan (VnExpress.net)

Nổi bật