Không thiếu những người chồng và bố mẹ chồng luôn bắt con dâu dù thế nào cũng phải về ăn Tết quê chồng, nhưng bên cạnh đó cũng vẫn có những người chồng tình nguyện ăn Tết ở quê vợ…
Vợ chồng anh Thuấn (quê Phú Thọ) và chị Vân (quê Bắc Ninh) sau khi học xong đại học đều quyết định ở lại lập nghiệp tại Thủ đô, đến khi anh chị kết hôn thì mỗi năm vào những dịp nghỉ lễ dài hoặc Tết nhất, vợ chồng con cái mới đưa nhau về quê để thăm ông bà nội ngoại 2 bên. 7 năm từ khi anh chị cưới nhau, nói ra chắc hiếm người tin, đó là ngần ấy năm anh Thuấn đều ăn Tết ở quê vợ.
“Mình là người không đặt nặng chuyện ăn Tết ở quê nội hay ngoại, đâu thì cũng là các cụ thân sinh ra mình và vợ cả, đâu thì cũng là tình và hiếu, bên nào cũng mong ước con cháu quây quần, chẳng vì là bên nội thì được đặt nặng hơn còn bên ngoại thì bị đặt nhẹ hơn” - anh Thuấn bày tỏ quan điểm.
Anh Thuấn cho hay, khi mới kết hôn, anh chị cũng đã tính toán và cân đối việc sử dụng những khoảng thời gian nghỉ lễ sao cho công bằng đối với 2 bên nội - ngoại và phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Nhà chị Vân có 2 chị em gái, chị gái của chị Vân cũng lấy chồng xa quê, hơn thế chị lại gần như phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch là ăn Tết ở quê chồng. Vì thế, nếu chị Vân cũng về ăn Tết quê chồng nữa thì những ngày này bố mẹ chị Vân sẽ chỉ còn 2 thân già lủi thủi với nhau. Chính vì điều này đã khiến cho một chàng rể như anh Thuấn cũng không đành lòng. Trong khi đó, bên nhà anh Thuấn có 2 anh em trai, anh trai anh đã lập gia đình và đang sống cùng bố mẹ, vì thế, ông bà nếu thiếu anh chị thì cũng đỡ quạnh quẽ những dịp năm hết Tết đến.
“Cuối cùng, bọn mình cũng đã đi đến quyết định là, những dịp nghỉ lễ trong năm thì 2 vợ chồng sẽ về quê nội nhiều hơn, còn Tết thì nhất định sẽ luôn là về bên ngoại ăn Tết với 2 cụ. Như thế có lẽ là vẹn toàn nhất trong hoàn cảnh như của bọn mình” - anh Thuấn cười chia sẻ.
Anh nói, ban đầu, bố mẹ anh cũng không hài lòng, vì ông bà cũng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cũ, cho rằng con dâu thì lẽ đương nhiên phải về ăn Tết quê chồng. Nhưng nhờ thái độ cương quyết không thay đổi của anh và sự thuyết phục từ từ của anh và vợ, bố mẹ anh rồi cũng xuôi. “Nhiều người bạn mình là đàn ông cũng không đồng tình với cách làm của mình. Họ cho rằng, như thế là không được, đã đành trong năm đã về quê nội rồi nhưng Tết là một dịp đặc biệt, mình là con trai lại vắng mặt ở nhà thì làm sao mà chấp nhận nổi. Rồi làm thế là chiều vợ quá, không sợ vợ được nước lấn tới à?” – anh tâm sự thêm.
Người đàn ông đáng mến này nói tiếp: “Nhưng việc vợ mình coi thường chồng đâu chả thấy, chỉ thấy cô ấy luôn cảm ơn và trân trọng việc mà mình đã làm cho cô ấy, và tất nhiên, cô ấy ngày càng yêu mình hơn, bù đắp, đền đáp cho mình rất nhiều ở những phương diện khác. Còn bố mẹ vợ thì yêu quý con rể con hơn cả con gái nhé!” - anh hóm hỉnh cười nói.
|
Anh Thuấn cho hay, khi mới kết hôn, anh chị cũng đã tính toán và cân đối việc sử dụng những khoảng thời gian nghỉ lễ sao cho công bằng đối với 2 bên nội - ngoại và phù hợp với hoàn cảnh của chính mình (Ảnh minh họa).
|
Cũng là một người chồng chuyên ăn Tết quê vợ như anh Thuấn là anh Dinh (Từ Liêm, Hà Nội). Tính đến nay, anh Dinh cũng đã có thâm niên 6 năm ăn Tết quê vợ, và bấy nhiêu thời gian cũng là ngần ấy năm anh cưới vợ.
Chị Ngần - vợ anh là người tỉnh lẻ, đã đành cả năm anh chị và các con đã ở cùng bố mẹ anh rồi, nhưng anh Dinh là con trai một, dưới anh chỉ có 1 em gái đã lập gia đình, vì thế việc năm nào anh cũng về quê vợ ăn Tết cũng khiến không ít người ngạc nhiên. Nhưng lí do, như anh nói, thì đơn giản là: “Thì cả năm vợ chồng mình đã ở với ông bà nội rồi, Tết cũng nên về ăn Tết với ông bà ngoại cho ông bà được gần con gần cháu chứ! Nếu Tết cũng không về được nữa thì thiệt thòi cho ông bà quá!”.
Anh Dinh kể, dưới chị Ngần còn có 1 em trai, nhưng chưa lập gia đình, vì thế nhà chị vẫn rất neo người, chị Ngần cả năm chẳng về chơi được mấy ngày, Tết lại không về nữa, ông bà sẽ rất buồn. Hơn nữa, anh nghĩ, con gái con trai, con nào cũng là con, ông bà cũng đều thương nhớ cả, chị Ngần xa bố mẹ đi lấy chồng cả năm cũng rất mong ngóng được về sum vầy với bố mẹ dịp Tết đến xuân về. “Nhạc phụ nhạc mẫu của mình là những người sống có tình, mình rất tôn trọng và yêu quý các cụ, vì thế chẳng nỡ để các cụ tủi thân, cũng chẳng nỡ để vợ buồn lòng. Còn bố mẹ mình, cả năm bọn mình đã ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng rồi, vẫn biết Tết là dịp quan trọng, thiêng liêng nhưng nếu bọn mình không ăn Tết ở nhà mình nghĩ cũng không tính là quá thiệt thòi cho các cụ!” - anh Dinh thổ lộ.
Anh Dinh cho biết thêm, mỗi năm, khi 2 vợ chồng anh được nghỉ Tết thì cũng đều dành 1,2 ngày ở trên thành phố để sắm sửa và chuẩn bị Tết cùng bố mẹ anh, sau đó vợ chồng anh mới đưa con về ăn Tết với ông bà ngoại. “Ban đầu, bố mẹ mình cũng không vui vẻ cho lắm, nhưng rồi qua quá trình vợ mình sống cùng các cụ, luôn đối xử tốt, chăm lo cho các cụ từng li từng tí, vì thế các cụ cũng coi vợ mình như con gái, thấu hiểu cho tâm tư nguyện vọng của các con. Hiện tại, nhiều năm trước Tết, khi vợ chồng mình vẫn bận rộn công việc, thậm chí mẹ mình còn tự tay chuẩn bị quà cáp và giục giã bọn mình thu xếp về sớm cho ông bà dưới quê đỡ mong! Còn vợ mình, khỏi phải nói, cô ấy luôn cảm kích và ghi nhớ những điều đó. Giờ đây, mình biết, cố ấy đã thật lòng coi gia đình chồng như gia đình thứ 2 của cô ấy vậy!” - anh cười hạnh phúc cho hay.
Theo Dã Quỳ (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)