Mặc dù bánh chưng là một trong những món ăn cổ truyền của Việt Nam nhưng lại không phải là món ăn thích hợp với tất cả mọi người.
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi ăn bánh chưng:
Những người không nên ăn nhiều bánh chưng
Người béo phì
Ăn nhiều bánh chưng sẽ tăng cân nhanh chóng. Bánh chưng được làm từ gạo - nguyên liệu chứa nhiều chất tinh bột cộng với nhân thịt, đậu là những dưỡng chất rất béo. Một góc nhỏ ở bánh chưng tương đương với 2 bát cơm tẻ, vì vậy những người béo phì nên hạn chế ăn món này.
Người bị cao huyết áp
Bánh chưng có lượng calo cao và nhiều chất béo, tinh bột nên nếu ăn nhiều sẽ góp phần làm tăng axit dịch vị và có ảnh hưởng không nhỏ đến người mắc bệnh huyết áp. Người bệnh cao huyết áp nên ăn bánh chưng ở mức độ thưởng thức, tránh lạm dụng dễ gây hậu quả xấu.
Người bị bệnh đau dạ dày
Gạo nếp, đỗ xanh có trong bánh chưng khi vào trong cơ thể có thể làm tăng lượng khí tích tụ. Điều này không có lợi cho những người bị bệnh đau dạ dày vì nó gây ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu…
Bánh chưng chứa nhiều chất béo nên hạn chế ăn (ảnh minh họa) |
Người bị bệnh tim
Bánh chưng chưa cả một nguồn năng lượng dồi dào (trên 200kcal/100g) cung cấp cả chất đạm động vật (thịt), thực vật (đậu xanh) và nhiều chất béo ảnh hưởng xấu tới tim mạch.
Phụ nữ mang bầu
Ăn uống trong những ngày Tết là vô cùng quan trọng, bà bầu cần ăn đầy đủ chất và điều độ. Bánh chưng làm bằng bột gạo nếp và thịt mỡ nếu ăn nhiều sẽ rất đầy bụng và khó tiêu. Vì vậy, các bà bầu chỉ nên ăn nhẹ với món bánh này.
Lưu ý khi ăn bánh chưng
Nhiều người có sở thích ăn bánh chưng rán bởi mùa đông tiết trời lạnh, ăn bánh chưng rán sẽ ngon, nóng và thơm hơn rất nhiều.Tuy nhiên bản thân bánh chưng xanh khi luộc đã có chứa nhiều chất béo. Vì thế, khi rán lên, bánh chưng lại được hút mỡ lại càng chứa nhiều chất béo hơn. Do đó, ăn bánh chưng rán sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu… cực hại cho sức khỏe.
Theo kỹ sư hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy, tuyệt đối không được ăn bánh chưng đã bị mốc hay lên men bởi khi những chiếc bánh chưng đã để quá lâu thì chúng thường dễ bị mốc. Khi đó, nấm mốc sẽ lan rộng vào bên trong và làm hỏng bánh. Nấm mốc cũng làm thay đổi màu sắc, mùi vị bánh chưng đồng thời làm giảm hoặc mất giá trị dinh dưỡng của bánh. Khi ấy, tinh bột trong gạo nếp sẽ chuyển hóa thành đường và khiến bánh bị chua. Các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể.
Vì thế khi bánh chưng bị nổi mốc dù có rán hay luộc lại thì độc tố trong bánh vẫn còn. Tốt nhất, tuyệt đối không nên ăn bánh chưng đã mốc vì chúng có thể gây đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Cách chọn và bảo quản bánh chưng ngày Tết
Muốn bánh chưng để được lâu thì cần để bánh nơi khô ráo trong nhà để bảo quản. Cần treo bánh nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để bánh tránh bị mốc, ôi thiu.
Do thời tiết ở nước ta nóng ẩm thất thường, đặc biệt nhiệt độ lên cao như mấy ngày này, bánh sẽ nhanh ôi thiu và mốc. Vì vậy, bắt buộc bánh chưng phải bảo quản trong tủ lạnh mặc dù bánh nhanh cứng, hạt gạo bị co lại và hơi sống.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải giữ lạnh, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát ở nhiệt độ 5-10 độ C.
Nếu một cái bánh chưng chúng ta không ăn hết thì phải bọc kín cho tủ lạnh không để ra bên ngoài tránh bị hỏng.