Chuyên gia Đông y sẽ mách bạn một số bài thuốc giảm sốt dễ làm, dễ dùng. Đối với người bắt đầu có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, những bài thuốc này sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt nhất.
Trước tình hình đó, nhiều người đã tìm đến những cách chữa bệnh sốt xuất huyết khác nhau. Có người đi viện khám nhưng cũng có những người nghe theo cách chữa bệnh truyền miệng khiến bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia Đông y, dùng các bài thuốc từ tự nhiên để hạ sốt cũng có hiệu quả, có tác dụng điều trị tích cực cho bệnh nhân sốt xuất huyết sớm phục hồi. Cùng xem những bài thuốc này và cách áp dụng phù hợp cho bản thân mình:
Dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng có diễn biến khó lường.Cây nhọ nồi và tác dụng thần kỳ trong việc hạ sốt |
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), trong Đông y, cỏ nhọ nồi còn có nhiều tên gọi khác nhau như cỏ mực, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên… Nhọ nồi thường mọc hoang ở nhiều nơi, từ lâu đời được sử dụng để chữa nhiều bệnh.
Trong Đông y, nhọ nồi có tính lương huyết chỉ huyết, tư âm bổ thận, dùng để điều trị các chứng xuất huyết, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, băng huyết. Y học hiện đại cũng ghi nhận, cỏ nhọ nồi chứa tinh dầu, tanin, chất đắng, alcaloid, các dẫn chất thiophen, như dithienyl acetylen ester, α terthienyl, terthienyl aldehyd ecliptal, các chất wedelolacton, stigmasterol, sitosterol, daucosterol; saponin: ecliptasaponin A, B, C.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu, do đó nên được sử dụng đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, ngay cả khi mới bắt đầu bị sốt cũng sẽ rất tốt. Cách làm đơn giản nhất là giã nhọ nồi lấy nước uống ngay khi bạn bị sốt. Ngoài ra, lương y khuyên bạn nên kết hợp với một số vị thuốc khác để phát huy tác dụng tốt hơn.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu, do đó nên được sử dụng đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết. |
Những bài thuốc hạ sốt, cực tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết từ cỏ nhọ nồi
Để hạ sốt hiệu quả hơn, lương y Vũ Quốc Trung đưa ra một số bài thuốc sau:
- Chữa sốt xuất huyết nhẹ, sốt phát ban, phong nhiệt nổi mẩn: Cỏ nhọ nồi, rau sam, huyền sâm, mạch môn, ngưu tất. Mỗi vị 10-15g đem sắc uống mỗi ngày một thang.
- Hạ sốt: Cỏ nhọ nồi, lá tre, hạ khô thảo, rễ cỏ tranh, trắc bá diệp đem sắc vừa đủ 100ml, uống trong ngày.
- Chữa sốt cao: Kim ngân hoa, liên kiều, hoàng cầm, rễ cỏ tranh, cỏ nhọ nồi, hoa hòe, chi tử, tri mẫu. Đem sắc uống sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.
Chung nhận định về cỏ nhọ nồi có tác dụng hạ sốt hiệu quả, ThS.BS Hoàng Khánh Toàn(Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108) cũng đưa ra một số bài thuốc có tác dụng tích cực trong điều trị sốt xuất huyết. Đây cũng là những bài thuốc dễ tìm kiếm, dễ áp dụng mà đem lại hiệu quả đáng ngờ, bạn không nên bỏ qua:
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108) cũng đưa ra một số bài thuốc có tác dụng tích cực trong điều trị sốt xuất huyết.
- Bài 1: Rau má 20g, cỏ mần trầu 20g, lá huyết dụ 20g, lá cối xay 20g, cỏ nhọ nồi sao cháy 40g, sắc đặc uống.
- Bài 2: Lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 16g, bông mã đề 16g, trắc bá diệp sao đen 16g (nếu không có thì thay bằng kinh giới sao đen 12g), sắn dây 20g (nếu không có thì thay bằng lá dâu 16g, rau má 16g, lá tre 16g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước trong 30 phút, uống ấm, chia 3 lần trong ngày.
- Bài 3: Rau diếp cá 100g, rau ngót 100g, cỏ nhọ nồi 50g, rửa sạch, vò với nước sôi để nguội, chia uống nhiều lần trong ngày.
Mặc dù đây đều là những bài thuốc có công dụng hạ sốt hiệu quả, có công dụng điều trị tích cực với bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng các chuyên gia đều lưu ý, chỉ áp dụng được với bệnh nhân bị sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2. Ở cấp độ 1, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ mới bị sốt, chưa có biểu hiện xuất huyết. Ở cấp độ 2, bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài…
Những bài thuốc trên đây nói chung chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh chứ không ngăn chặn bệnh tuyệt đối nên vừa dùng vừa phải theo dõi diễn tiến của bệnh. Đối với những người bị sốt xuất huyết nặng ở thể 3, 4 cần phải đến bệnh viện để tiến hành điều trị.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)