Đêm mùng 1 Tết, bé trai 13 tuổi tại Phú Yên đi xe đạp điện đã va chạm với xe máy nên chấn thương nặng vùng hàm mặt.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đây là một trong những trường hợp chấn thương vùng hàm mặt nặng mà khoa tiếp nhận trong dịp Tết. Việc điều trị của bệnh nhi này khá phức tạp vì gãy nhiều, xoang hàm vỡ nghiêm trọng. Các bác sĩ phải phẫu thuật nhiều giờ để giúp bé có thể há ngậm miệng bình thường như trước.
Cùng nhập viện với chấn thương tương tự là bé trai 7 tuổi ở Lâm Đồng. Chơi đùa ngày Tết cùng bạn bè, bé ngã đập mặt vào trụ xi măng. Khi nhập viện vùng môi của bé bị rách, trầy xước má, gãy nhiều răng hàm dưới. Kiểm tra hình ảnh ghi nhận bé gãy xương hàm dưới, gãy xương ổ, gãy cổ lồi cầu. Ngoài ra bé còn bị gãy xương cẳng chân trái. Hiện bé được điều trị nội khoa, nâng đỡ thể trạng và chờ phẫu thuật.
Theo bác sĩ Đẩu, trọng điểm các ca cấp cứu ngày Tết là chấn thương. Dịp này trẻ được nghỉ học, ở nhà nhiều, phụ huynh lại bận rộn nhiều việc ít để ý con cái, trẻ có nhiều cơ hội di chuyển cùng bố mẹ đến nhà người thân, khu vui chơi giải trí... nên nhiều tai nạn xảy ra. Trong số 11 ca chấn thương vùng hàm mặt dịp Tết, có 9 trường hợp do tai nạn giao thông và 2 trẻ bị tai nạn sinh hoạt.
"Các bệnh nhân nhập viện thường có tổn thương vùng hàm mặt đa dạng, ở nhiều vị trí khác nhau, ảnh hưởng thẩm mỹ, chức năng khuôn mặt về sau", bác sĩ Đẩu nhấn mạnh. Di chứng thường gặp là sẹo trên vùng mặt, sẹo co kéo ảnh hưởng chức năng, di chứng liên quan phần xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, phục hình răng sau gãy... Bệnh nhân phải tốn nhiều thời gian để hồi phục.
|
Bác sĩ Đẩu kiểm tra vết thương cho bệnh nhi. Ảnh: Lê Phương. |
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý trông nom trẻ, giáo dục con kỹ năng tránh các tình huống có thể gây ra tai nạn, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Khi chở trẻ bằng xe máy phải đội nón bảo hiểm, đặt trẻ ở vị trí an toàn, đi ôtô phải thắt dây an toàn.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)