Giáo sư Nguyễn Đức Công lưu ý, cấp cứu đúng cách, chạy đua thời gian trong ba giờ đầu tiên có thể cứu sống bệnh nhân.
Ba giờ đầu sau đột quỵ, nếu kịp đến bệnh viện lớn đủ khả năng điều trị, thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Nếu nhà có người mắc bệnh tim mạch, Giáo sư Công khuyên gia đình gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện ngay khi thấy bất cứ triệu chứng đột quỵ nào. Thời gian là vàng, mỗi giây phút qua đi, cơ hội cứu sống bệnh nhân giảm dần. Cả người thân lẫn bác sĩ đều phải chạy đua để can thiệp sớm nhất nhằm giảm di chứng.
Ba giờ đầu sau đột quỵ là thời gian vàng cấp cứu người đột quỵ. |
Trong lúc chờ đợi nhân viên y tế giúp đỡ, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
- Cho người bệnh nằm nghỉ ở chỗ thoáng, nghiêng sang một bên
- Lấy răng giả hoặc vật lạ trong miệng, tránh để dị vật rơi vào đường thở
- Nếu thấy khó thở hay ngừng thở, thổi hơi vào miệng bệnh nhân
- Nếu bệnh nhân ngừng tim, cần ép tim ngoài lồng ngực
Tuyệt đối không làm những điều dưới đây gây nguy hại cho người bệnh:
- Không chích máu đầu ngón tay, dái tai hay bất cứ chỗ nào trên cơ thể, làm lãng phí thời gian vàng cứu sống bệnh nhân và gây nhiễm trùng
- Không cạo gió, xoa bóp
- Không tự ý cho bệnh nhân uống, nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào
Chi phí điều trị đột quỵ tốn kém, người bệnh thường phải gánh chịu di chứng nặng nề (tàn tật, mất sức lao động). Đặc biệt, bệnh hay tái phát, lần sau nặng hơn đợt trước. Cách tốt nhất là phòng ngừa bằng lối sống khoa học: hạn chế ăn nhiều đạm và béo, tăng rau xanh và trái cây; không hút thuốc hay uống nhiều rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Người trên 45 tuổi, hay hút thuốc lá, sẵn bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường... có nguy cơ đột quỵ cao, nên khám và chữa bệnh sớm. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm dự phòng đột quỵ, tăng tuần hoàn máu.
Theo An San (VnExpress.net)