Nếu ăn phải chuột cống người dùng có thể mắc một số bệnh nguy hiểm.
Do nắm bắt được xu thế thị trường nên nhiều người bán đã săn bắt một số chuột cống trộn lẫn vào chuột đồng để bán với giá cao. Giá chuột đồng đã chế biến được bán với giá 150.000-250.000 đồng tùy vào mùa.
Thịt chuột là món khoái khẩu của nhiều dân nhậu. Ảnh: NGUYÊN VÕ |
Chuột cống sống ở những nơi rất bẩn, ở các cống rãnh, bãi rác,… Loại chuột này mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Vì vậy cả người làm thịt chuột và người ăn thịt chuột đều có nguy cơ mắc phải một số loại bệnh nguy hiểm từ loại chuột này. Ngoài ra, nếu người bắt chuột bằng phương pháp đánh bả thì người ăn có khả năng bị ngộ độc cấp tính.
Thời gian trước đây đã có bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta từ chuột gây suy thận, suy gan. Các trường hợp bị nhiễm virus này chủ yếu do bị chuột cắn. Các chuyên gia cho biết khi tiếp xúc với thịt sống hoặc chế biến chuột, virus có thể lây sang người.
Trong chuột cống, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như dịch hạch, lao, viêm cầu khuẩn,... Trong đó, nguy hiểm nhất là virus dịch hạch.
Trong chuột cống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Ảnh: NGUYÊN VÕ |
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa, virus dịch hạch có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và dễ bùng phát thành dịch lớn. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có dấu hiệu ở phổi, đờm loãng, bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, biến chứng phù phổi cấp, có nguy cơ tử vong cao. Nếu chuột mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, người làm thịt có thể bị lây nhiễm qua vết thương trên da trong quá trình tiếp xúc, làm thịt chuột.
Chính vì những lý do trên nên người dân nên cẩn thận khi sử dụng thịt chuột để làm thức ăn. Trường hợp vì lợi nhuận mà người kinh doanh buôn bán những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không an toàn là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm.
Theo Nguyên Võ (Pháp Luật TPHCM)