Nghiên cứu này được thực hiện để thấy được ảnh hưởng của chứng ngưng thở khi ngủ ở não trẻ từ 7 đến 11 tuổi. Tổng cộng có 16 trẻ bị chứng ngưng thở khi ngủ được đánh giá tại phòng thí nghiệm về giấc ngủ dành cho trẻ em ở Đại học Chicago.
Tất cả trẻ em trải qua các bài kiểm tra nhận thức thần kinh và được quét bằng MRI. Trưởng nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Leila Kheirandish-Gozal đến từ Đại học Chicago kết hợp với các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học California tại Los Angeles - Hoa Kỳ, đã phân tích các hình ảnh dựa trên các kết quả xét nghiệm và chụp não được so sánh với 9 trẻ khác không có chứng ngưng thở khi ngủ, phù hợp với giới tính, tuổi, cân nặng. Họ cũng so sánh trẻ em bị ngưng thở khi ngủ với cơ sở dữ liệu gồm 191 trẻ được quét MRI ở dữ liệu NIH trước đây.
Khi các phân tích đã được hoàn thành, kết quả cho thấy, những trẻ bị chứng tắc nghẽn khi ngủ có thể giảm đáng kể lượng chất xám - khu vực xử lý thông tin của não. Những tổn thương về chất xám xuất hiện trong một loạt các vùng não, bao gồm: vỏ não phía trước - có liên quan đến giải quyết vấn đề, chuyển động, ngôn ngữ, trí nhớ, điều khiển xung lực và phán đoán; vùng vỏ não trước trán - xử lý các hành vi phức tạp, tính cách và lập kế hoạch; vỏ não trán - liên kết với đầu vào các giác quan; thái thùy dương - điều khiển việc nghe và nghe có chọn lọc vào cuống não - kiểm soát chức năng hô hấp và tim mạch.
Đồng tác giả Tiến sĩ David Gozal cho biết: Quét MRI cho chúng ta một cái nhìn về sự khác biệt về ngưng thở liên quan đến những bộ phận khác của não. Việc quét không có độ phân giải để xác định liệu tế bào não có bị co lại hoặc bị mất hoàn toàn. Mặc dù nghiên cứu chỉ được tiến hành đối với một số trẻ nhỏ bị ngưng thở khi ngủ, nhưng phát hiện này có liên quan đến sự mất chất xám đáng kể sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức.
Theo Đ.T.V-NASATI (Dân Trí)