Nếu có thủy ngân, trẻ ở trong nhà vẫn bị nhiễm độc

27/04/2016 10:01:00

Đó là nhận định của Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội) trước thông tin phụ huynh không nên đưa con ra đường.

Đó là nhận định của Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội) trước thông tin phụ huynh không nên đưa con ra đường.

Không chỉ dừng lại ở đó, rất nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về việc không nên đưa trẻ nhỏ ra ngoài vì đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng khi không khí nhiễm thủy ngân. Theo đó, một số chuyên gia về môi trường và hóa học đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng này, đồng thời khuyến cáo người già, đặc biệt là trẻ nhỏ không nên ra đường.

Trước những thông tin trên, phóng viên đã liên hệ với Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để có thông tin xác thực nhất cảnh báo đến các bậc phụ huynh, nhằm bảo vệ con trẻ trước tình trạng ô nhiễm môi trường.
 

Trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm môi trường và không khí.

BS Thường cho biết: “Trong những ngày qua tôi cũng có nghe thông tin này, tôi không dám khẳng định là không khí có thủy ngân hay không, điều này phải các cơ quan chức năng đo đạc và kết luận. Tôi chỉ trả lời trong trường hợp nếu có thủy ngân lơ lửng ở ngoài không khí”.

Theo đó BS Thường cho biết, việc phụ huynh truyền tai nhau về việc cho con trẻ ở trong nhà, thì đây là động cơ bảo vệ con rất chính đáng. Tuy nhiên, nếu trường hợp có thủy ngân bay lơ lửng thì cũng không thể tránh khỏi. “Thủy ngân nếu ở trong không khí, thì có ở trong nhà vẫn hít phải bình thường, chứ không phải ra ngoài mới bị”, BS Thường nói.

Nói về những tác hại nếu không khí có thủy ngân, BS Thường cho biết trẻ nhỏ là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất vì hệ hô hấp vẫn chưa được hoàn thiện. Hơn nữa, hệ hô hấp cũng là nơi tiếp xúc đầu tiên nên dễ ảnh hưởng đến niêm mạc và nếu tích tụ lâu sẽ gây nên nhiều căn bệnh mãn tính về đường hô hấp rất kinh khủng.

BS Thường cũng cho biết, với tình hình ô nhiễm môi trường như hiện nay, các chất hóa học độc hại, các loại kim loại nặng có trong không khí vượt ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Theo đó, ảnh hưởng này có thể là ngắn hạn với việc ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng trung hạn với những căn bệnh khởi phát sau khi tích tụ đủ chất độc hại.

“Nguy hiểm nhất là những ảnh hưởng dài hạn đối với con người, đó là làm suy giảm tinh trùng ở nam giới, trứng ở nữ giới từ đó gây nên những căn bệnh liên quan đến đường sinh sản và cuối cùng là chất lượng nòi giống dân tộc cũng sẽ bị tác động bởi ô nhiễm môi trường”, BS Thường nói.

Để giải quyết vấn đề này, theo BS Thường, trước hết là mỗi người dân phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, làm cho môi trường trong sạch hơn. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng phải vào cuộc có những chế tài xử lý nghiêm tình trạng ô nhiễm môi trường, trước mắt là làm sao để hạn chế được lượng khí thải ra ngoài môi trường.
 
>> Cảnh báo Equinox gây xôn xao: "Chớ coi thường!"
>> "Không có chuyện thủy ngân bay lơ lửng trong không khí ở Hà Nội"
>> Không khí Hà Nội ô nhiễm, khuyến cáo người nhạy cảm hạn chế ra ngoài
 
Theo Lê Phương (Khampha.vn)

Nổi bật