Người dân sống ở đô thị chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh: Trần Ngoan. |
Tiến sĩ Lan khuyến cáo ô nhiễm không khí ảnh hưởng lên rất nhiều cơ quan trong cơ thể con người bao gồm hệ tim mạch, hô hấp, mắt và da. Cơ quan hô hấp là nơi bị chịu hệ lụy nặng nề nhất. Người bị hen suyễn hay viêm mũi dị ứng sẽ vào những đợt nặng hơn khi tiếp xúc với không khí bẩn. Cư dân tiếp xúc khí ô nhiễm lâu dài có thể bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh tương đối xấu và khó chữa trị nếu phát hiện trễ. Một số trường hợp có bệnh tim mạch sẽ nặng hơn và một số bệnh nhân khác có thể bị đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy những người có tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp xúc càng lâu, nguy cơ càng cao. Không cần biết người đó sinh sống ở khu vực ô nhiễm hay chỉ di chuyển trong khu vực ô nhiễm, chỉ cần tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm mà không có biện pháp bảo vệ trong thời gian lâu hơn thì sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, nhiều cơ quan chưa được hoàn thiện. Nếu trẻ hít phải không khí ô nhiễm sẽ có nguy cơ phát triển các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn hay viêm mũi dị ứng. Ngoài ra người lớn có cơ địa dị ứng có thể xảy ra tình trạng dị ứng chỉ khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian ngắn như lên cơn hen cấp, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt, nổi mẩn ngứa ở da. Những người đã có bệnh hô hấp hay tim mạch mạn tính có thể lên cơn khó thở dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia cũng cảnh báo sự cộng gộp của tình trạng dân số ngày càng đông, hiện tượng trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường đang khiến cho sức khỏe của con người ngày càng xấu đi. Tỷ lệ chết vì ung thư ngày một tăng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Không bao lâu nữa, con người sẽ không có không khí sạch để thở.
Tiến sĩ Lan cho rằng trong khi chờ đợi các biện pháp giảm ô nhiễm mang tính vĩ mô của cơ quan chức năng, mỗi người nên tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm. "Mang khẩu trang, đóng kín cửa và hạn chế ra đường là các giải pháp tạm thời nên được khuyến khích áp dụng", bà nói.
Bác sĩ Phạm Thị Dung, chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, lưu ý tình trạng ô nhiễm không khí cộng với sương mù kéo dài ở TP HCM hiện nay có thể làm bùng phát bệnh dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết vốn đang diễn biến phức tạp. Khi môi trường thuận lợi nóng ẩm, muỗi cái có thể sống tới 3 tháng và sinh sản 8-10 lần trong suốt vòng đời. Sự biến đổi thời tiết theo hướng có lợi cho nguồn bệnh dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát nhanh chóng.
Ngoài ra người dân sống trong môi trường ô nhiễm cộng với sương mù làm suy giảm tầm nhìn khiến họ phải tăng điều tiết mắt để quan sát. Cứ như thế sau một thời gian mắt mỏi mệt, suy yếu, đau nhức. Hơn nữa, không khí bẩn bao gồm khói bụi và vi sinh vật cũng có thể gây viêm kết mạc mắt cấp tính, dần dần gây ra những tổn thương thực thể tại mắt. Nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến mù lòa.