Ly hôn, cha mẹ vẫn đóng kịch "ngủ chung giường" là sai lầm

19/01/2016 11:00:52

Cha mẹ "đóng kịch" hạnh phúc với con hay thẳng thắn thừa nhận hôn nhân đã tan vỡ để con không bị tổn thương sau sự cố ly hôn của cha mẹ?

Cha mẹ "đóng kịch" hạnh phúc với con hay thẳng thắn thừa nhận hôn nhân đã tan vỡ để con không bị tổn thương sau sự cố ly hôn của cha mẹ?

Cha mẹ ly hôn, mỗi người một nơi, là một cú sốc lớn đối với trẻ. Nếu người lớn ứng xử thông minh, khôn khéo thì trẻ sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngược lại, nó sẽ trở thành vết thương lòng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ.

Theo TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, điều cần thiết nhất cha mẹ phải làm sau ly hôn là trung thực với con. Cha mẹ đóng kịch và nghĩ rằng con không biết là hoàn toàn sai lầm.

“Khả năng cảm nhận của trẻ vô cùng tốt. Khả năng diễn kịch của cha mẹ lại có nhiều hạn chế bởi vì ai cũng chỉ dồn sức được trong thời gian ngắn chứ không thể diễn quá lâu dài. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều gia đình cha mẹ lục đục, mỗi người có hạnh phúc riêng nhưng vẫn sống chung 1 nhà, diễn màn kịch hạnh phúc đã gây tổn thương cho những người con hơn nhiều so với những gia đình cha mẹ ly hôn”, TS. Hương chia sẻ.

“Trẻ sẽ nhanh chóng cảm nhận được màn kịch giả tạo đó và chúng sẽ cảm thấy bị lừa dối. Đây là hậu quả lớn mà nhiều khi cha mẹ cũng không thể ngờ nổi. Đặc biệt là khi con đã cảm nhận ra, chúng sẽ mất niềm tin với cha mẹ. Trong những thời điểm cần sự trợ giúp của cha mẹ, chúng không dám kêu gọi cha mẹ giúp đỡ, cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi tăng lên, chúng có thể sẽ có những hành vi tiêu cực”, TS. Hương phân tích thêm.
 

 Ảnh minh họa

Theo vị chuyên gia giáo dục tiểu học, cha mẹ ly hôn không phải là tai họa trời giáng với trẻ nhỏ. Những đứa trẻ của các cha mẹ đơn thân vẫn có thể phát triển tốt nếu như cha mẹ chúng tách bạch việc chăm sóc nuôi dưỡng con với tình trạng hôn nhân và tình cảm với chồng/vợ cũ.

“Tình trạng hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ là khó khăn mà con cần vượt qua. Và sự thật là nếu con vượt qua được chuyện này thì con sẽ vững vàng và mạnh mẽ hơn nhiều. Do vậy, ly hôn cũng có nét nào đó có lợi trong sự phát triển của 1 đứa trẻ trong gia đình bố mẹ không sống chung với nhau”, TS. Hương nhận định.

TS. Vũ Thu Hương cũng gợi ý cách hành xử văn minh của cha mẹ sau ly hôn để tốt cho sự phát triển của con:

“Những gia đình đã ly hôn nhưng vẫn thống nhất cách giáo dục trẻ, cùng nhau chăm sóc trẻ mặc dù cha/mẹ chúng đã có hạnh phúc riêng, thường xuyên bày tỏ tình yêu với con thì con cái vẫn phát triển bình thường.

Một trong những cách giải thích cho con về vấn đề ly hôn là nói với con: mẹ và bố giống như 2 bạn trong lớp, trước thân nhau, giờ ghét nhau, nhưng vẫn cùng nhau yêu quý 1 bạn khác là con. Đứa trẻ chắc chắn sẽ lựa chọn cách giải quyết là tách 2 “bạn” bố và mẹ ra nhưng vẫn gặp “bạn” con.

Đồng thời, cha mẹ cũng yêu cầu con cư xử sao cho phù hợp với tình trạng hôn nhân của 2 người. Ban đầu, bọn trẻ cảm thấy buồn và lo lắng một chút. Nhưng rồi khi thấy cuộc sống vẫn ổn, hai cha mẹ vẫn yêu thương chăm sóc mình thì chúng sẽ nhanh chóng vượt qua, chấp nhận số phận và tìm cách vươn lên. Như vậy, về tính cách của các bạn nhỏ trong những gia đình đơn thân có nhiều trường hợp lại mạnh mẽ và vững vàng hơn các bạn khác. Đây là một điểm đặc biệt mà các cha mẹ nên lưu ý nếu cần phải quyết định nói lời chia tay với bạn đời”, TS. Hương nói.

Theo Kim Minh (VietNamNet)