Theo bác sĩ Minh, viêm amidan được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, chống nhiễm khuẩn. Amidan được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khi:
- Bệnh nhân có trên 4 đợt viêm amidan cấp trong một năm.
- Amidan có gây biến chứng tại chỗ như viêm amidan có áp xe, được chỉ định cắt sau khi điều trị ổn định qua khỏi đợt áp xe.
- Những amidan quá phát gây hẹp eo họng, khó thở, khó nuốt, đặc biệt ở trẻ em.
- Những trường hợp có khối u amidan hoặc ung thư amidan.
Bệnh nhân này nếu không phẫu thuật có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm tấy, áp xe tại chỗ quanh amidan, viêm họng, viêm thanh quản… Bệnh nhân viêm amidan nhiễm vi trùng Streptoccoccus β hemolytic có thể gây viêm cơ tim, viêm khớp, thận, gây phản ứng tự miễn, làm hư van tim, viêm tai giữa… Viêm amidan hốc mủ không cắt có thể gây hôi miệng. Ở trẻ em, viêm amidan nhiều lần là nguyên nhân gây các bệnh đường hô hấp hay rối loạn khác như biếng ăn, chậm phát triển trí tuệ, đái dầm.
Đa số các trường hợp phẫu thuật cắt amidan hiện nay được thực hiện gây mê. Ảnh minh họa: washingtonpost |
Đa số trường hợp phẫu thuật cắt amidan hiện nay được thực hiện gây mê, bệnh nhân hồi tỉnh sau phẫu thuật khoảng 15-20 phút. Trước kia do không có đầy đủ thuốc mê, bệnh nhân chỉ được gây tê, không cần hồi tỉnh sau mổ nhưng phải chịu đau đớn nhiều hơn trong cuộc phẫu thuật, đặc biệt là bệnh nhân có tâm lý không tốt thường rất căng thẳng. Cả gây mê và gây tê đều có thể xảy ra biến chứng do cơ địa bệnh nhân, bệnh lý, dị ứng thuốc tê hoặc thuốc mê hoặc trang thiết bị, kỹ thuật thao tác... nên bác sĩ cần cân nhắc đánh giá kỹ khi thực hiện.
Chống chỉ định phẫu thuật trong trường hợp bệnh nhân có bệnh lý toàn thân chưa được kiểm soát tốt như rối loạn đông máu, cao huyết áp, suy tim..., phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai. Phẫu thuật amidan nếu cắt bằng dao plasma chỉ mất khoảng 5-7 phút, ít đau và ít mất máu hơn nếu thực hiện theo phương pháp cắt thông thường (mất khoảng 30 phút).
Sau mổ bệnh nhân cần uống sữa lạnh trong ngày đầu tiên. Ngày thứ 2 có thể ăn cháo loãng, nước súp; ngày 3-7 ăn mì, miến, hủ tiếu... mềm, nguội, tránh gia vị cay nóng. Từ ngày 7 đến 10 ăn cơm nhão, cháo đặc và sau đó có thể ăn uống trở lại bình thường. Uống thuốc, tái khám, tuân thủ nghỉ ngơi theo lịch dặn của bác sĩ.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, để phòng ngừa viêm amidan, hạn chế tái phát cần giữ ấm mũi họng, đặc biệt trong lúc giao mùa, thời tiết lạnh, hạn chế tiếp xúc trực tiếp môi trường ô nhiễm, tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, giữ vệ sinh răng miệng tốt. Đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có các biểu hiện bất thường như sốt 39-40 độ, đau họng, khó nuốt, chảy nước bọt, amidan đỏ, to, đau, dịch nhờn và mủ từ hốc amidan, lưỡi gà phù nề...
“Amidan là tổ chức sản xuất kháng thể chống vi khuẩn xâm nhập, nếu chỉ định cắt không đúng, không cần thiết có thể làm giảm miễn dịch, gây hại cho cơ thể”, bác sĩ Minh phân tích. Tùy mỗi trường hợp bác sĩ có những cân nhắc cụ thể về quyết định phẫu thuật.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)