Trong khi hàng ngàn gia đình đang hồi hộp chờ mong con đủ điểm vào đại học, có 1 người mẹ từng thốt lên với cô con gái sang năm sẽ bắt đầu cuộc chiến vào giảng đường rằng: “Mẹ ước gì sang năm con trượt đại học, mẹ rất mong điều đó”.
TS Vũ Thu Hương (bên trái) chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người ngỡ ngàng |
Theo TS Hương, với nhiều bậc cha mẹ con trượt ĐH là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng với gia đình chị điều đó không có gì to tát cả: “Năm nay mọi người có thể cười tôi nhưng 10 năm sau ai nhớ? Điểm số, thành tích và ngay cả việc đỗ ĐH nó chỉ có giá trị tức thời nhưng cái mà tôi nhận được từ thất bại của con chính là bài học hữu ích mà con sẽ mang theo suốt cả cuộc đời” – TS Hương chia sẻ.
TS Hương cũng cho rằng, trong quá trình đưa con đi học, bố mẹ cần xác định được những kiến thức con học ở trường, những bài toán, bài văn, những điểm 9, điểm 10 chỉ có giá trị rất rất nhỏ. Cái quan trọng hơn mà con cần phải có là tính cách, kỹ năng sống.
Lấy ví dụ về việc này, TS Hương cho biết, mới đây, một phụ huynh đã gọi điện than thở với chị rằng, khi cô ấy đi làm về mở cửa nhà ra thì thấy 10 đứa trẻ là bạn của con mình đang ở trong nhà nhưng không thấy con mình đâu. Bà mẹ này đã vô cùng sốc khi biết các cháu đang tụ tập để … thực hiện thí nghiệm hóa học. Không những thế, các con còn lục tung đồ đạc trong tủ lạnh, tủ quần áo để chơi. Chị phụ huynh này tức giận quá đã trút giận lên con thì các bạn kia xông ra bảo vệ.
TS Hương cho biết, tất cả những học sinh đó đều là những học sinh giỏi, có đam mê khoa học. Tuy nhiên, các em không hiểu được việc làm thí nghiệm hóa học trong nhà riêng không có sự giám sát của thầy cô, người lớn là vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, các em còn không biết rằng vào nhà người khác rồi lục đồ để chơi khi người lớn không có nhà là vi phạm pháp luật. Đó là những kiến thức rất cơ bản trong cuộc sống mà các em không hề biết. Bà mẹ nên bình tĩnh để phân tích với con những điều này.
Cái quan trọng hơn mà con cần phải có là tính cách, kỹ năng sống (Ảnh: Tùng Anh) |
“Ví dụ như thế để nói lên rằng, học vấn, kiến thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc đời của một đứa trẻ. Nếu học vấn có nhưng hành xử không ra gì thì các em sẽ nhận được những hậu quả rất lớn khi bước vào cuộc sống thực tế. Học vấn chỉ có giá trị khi nó trở thành một quan niệm tốt, một tính cách ổn và một kỹ năng thuần thục” – TS Hương nhấn mạnh.
Mặc dù không quan tâm đến vấn đề điểm số và thành tích của con, nhưng TS Hương cho rằng các bậc phụ huynh nhất định phải dạy cho con hiểu được trách nhiệm học tập là của con chứ không phải của bố mẹ và phải làm ngay khi con bắt đầu vào lớp 1.
“Việc học tập là vô cùng vất vả, cha mẹ đừng bao giờ nghĩ trẻ chỉ có mỗi việc đi học cũng không xong. Đi học không hề sung sướng gì, nhưng đó là việc phải làm. Bố mẹ không được làm thay trẻ, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là con phải dậy đúng giờ và tự chuẩn bị đồ đạc để đến trường. Trong quá trình con đi học từ nhà trẻ đến hết lớp 12 song hành cùng chữ nghĩa thì 1 điều quan trọng nhất con phải học chính là ý thức” – TS Hương nói.
TS Hương cũng chia sẻ quan điểm dạy con khá “lạ lùng” đó là chị chỉ phạt chứ không bao giờ thưởng con mình. Phần thưởng “nặng ký” nhất mà chị dành cho con chỉ là những lời khen và động viên chân thành. Theo TS Hương, khi cha mẹ thưởng, cha mẹ sẽ đẩy vị trí của mình cao và xa hơn con. Việc bất bình đẳng sẽ khiến khoảng cách giữa các thế hệ sẽ bị kéo xa ra . Ngoài ra, việc học của con cũng không thể là lí do để thưởng được.
Theo Tùng Anh (Dân Việt)