Kỳ tích 102 ngày cứu sống chàng trai bỏng xăng

07/06/2016 15:24:00

Người nhà từng bỏ cuộc đòi đưa đứa con bị bỏng toàn thân về lo hậu sự, còn các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết giữ bệnh nhân lại điều trị và họ trải qua hơn 3 tháng giành giật sự sống cho chàng trai.

 
Người nhà từng bỏ cuộc đòi đưa đứa con bị bỏng toàn thân về lo hậu sự, còn các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết giữ bệnh nhân lại điều trị và họ trải qua hơn 3 tháng giành giật sự sống cho chàng trai.

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình cho biết trong số 3 ca bỏng nặng hy hữu mà Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống từ trước đến nay, đây là trường hợp nặng nề nhất. Tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ vào cuộc với các quá trình hồi sức tích cực, bồi phụ dịch - điện giải, hồi sức chống sốc, kháng sinh, chăm sóc vết phỏng... Thời gian bệnh nặng kéo dài rất lâu, đến ngày 4/4 bệnh nhân mới được đưa ra khỏi khu săn sóc đặc biệt.

Suốt hành trình 102 ngày chiến đấu, các y bác sĩ đã sát cánh cùng bệnh nhân vượt qua 14 ca mổ đau đớn. Trong đó có 4 lần cắt lọc hoại tử, 2 lần cắt cụt 1/3 trên của hai cẳng chân, 9 lần ghép da. Sau mỗi cuộc mổ, bệnh nhân càng co quắp, suy mòn nên vấn đề dinh dưỡng, tâm lý, chăm sóc vết thương... nhiều thách thức. Tình trạng chung của bệnh nhân bỏng là nhiễm đa khuẩn cũng khiến việc lựa chọn kháng sinh phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. 

Theo bác sĩ Hiệp, một trong những yếu tố góp phần thành công của ca điều trị là việc ghép da đồng loại, sử dụng da đầu nhiều lần. Bên cạnh nguồn da của người thân, bệnh nhân được 4 lần lấy da đầu để ghép trên thân thể. Do tổn thương quá lớn, toàn thân cháy đen nên giải pháp ghép từ da đầu giúp quá trình hồi phục của bệnh nhân diễn ra nhanh hơn.

"Da ở tay chân đã lấy một lần để ghép thì lần sau sẽ khó lấy lại được. Riêng da đầu rất dày, có nhiều máu nuôi nên dễ lành. Chỉ cần cạo đầu lấy da khoảng chục ngày là đã lành, có thể lấy được nhiều lần. Tóc sẽ mọc trở lại, không để sẹo", bác sĩ Hiệp phân tích. 

Nụ cười đã trở lại trên gương mặt bệnh nhân. Ảnh: Đ.H

Nụ cười đã trở lại trên gương mặt bệnh nhân. Ảnh: Đ.H

Vượt qua những lúc nguy kịch với tiên lượng dè dặt nhất, bệnh nhân được ổn định xuất viện ngày 6/6. May mắn giữ được mạng sống song hai cẳng chân đều đã bị cắt cụt, bệnh nhân được chỉ định sau này phải lắp chân giả, tập vật lý trị liệu. Bàn tay cũng phải trải qua thời gian điều trị di chứng bỏng để có thể cầm nắm, trở về đời thường.

Chàng trai 21 tuổi đã bắt đầu mỉm cười trở lại sau hơn 3 tháng oằn mình trong đau đớn. Người nhà từng nhất quyết đòi đưa anh về vì không kham nổi chi phí điều trị và không còn hy vọng có thể may mắn qua khỏi. Bác sĩ phải cố công thuyết phục cả nhà không bỏ cuộc, số tiền điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng đã được đơn vị hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện vận động tài trợ. 

"Bệnh nhân thường được tiên lượng rất xấu nhưng chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ chết mà phải luôn luôn trong tâm thế còn nước còn tát. Nếu bác sĩ đã có tư tưởng buông xuôi thì làm sao còn đủ quyết tâm cứu bệnh nhân được", bác sĩ Hiệp trải lòng.

Theo Lê Phương (VnExpress.net)

Nổi bật