Quả thực có lắng nghe câu chuyện của các bậc phụ huynh từng tham gia vào “trận chiến” đăng ký vắc xin dịch vụ, chúng tôi mới thấy nhiều “phát kiến” lạ đời.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (Ba Đình, Hà Nội), người tự nhận là đăng ký tiêm chủng thành công 95%, đã nghiệm ra 3 bước “thần thánh” để có một phiếu tiêm.
Bước đầu tiên theo anh Tuấn là tìm quán internet có đường truyền tốc độ cao. Đó là quán game cao cấp, phòng vip, thậm chí khổ chủ còn hướng dẫn tận tình rằng tra goolge từ khóa quán game vip Hà Nội để chọn địa điểm gần nhà.
“Nhớ rằng ra quán trước 30 phút. Bước hai là mở 3 trình duyệt một lúc Firefox, Chorme, Coccoc. Mỗi trình duyệt mở khoảng 5 tab, 3 tab ta sẽ load refesh lại trang F5 liên tục, 2 tab không refesh để nguyên. Kiểm tra giờ trên máy tính với giờ thực tế nếu không có bộ đếm giờ của web”, anh Tuấn khuyên.
Bước cuối cùng được anh Tuấn nhấn mạnh là cực kỳ quan trọng mà theo anh Tuấn là “phát minh” của riêng anh. Đó là vào unikey chọn bảng gõ tắt: Điền trước số 1 là tên của bé, số 2 là tên của bố, số 3 là CMND....Khi đó lúc nhập thông tin, bạn chỉ cần nhấn phím số rất nhanh.
Từng vài lần xếp hàng, xô lấn mà vẫn không có nổi số tiêm cho con, anh Nguyễn Văn Hải (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhớ như in đợt vắc xin về cuối năm 2015. “Đợt đó, con tôi tiêm mũi đầu tiên, một buổi sáng hai vợ chồng tôi phải chạy đến 3 nơi mà không có nổi 1 số tiêm nên đăng ký qua mạng cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng đăng ký kiểu này giống trò may rủi”.
Không những phải vào quán VIP, anh Nguyễn Văn Hải (Bắc Từ Liêm, Hà Nội còn tổng hợp kinh nghiệm “săn” vắc xin thành công sau khi đăng ký được 2 phiếu cho con trai và cháu gái. Theo anh kinh nghiệm này đang được bạn bè anh “nằm lòng” để “chạm” vào phiếu tiêm vắc xin.
Anh Hải đã nghiệm rằng: “Trước giờ mở bán: Gõ tất cả thông tin của trẻ ra file word. CMND là thứ khó nhớ nhất thì các mẹ copy trước và máy tính sẽ nhớ lệnh đó, lúc mở link chỉ cần paste vào. Trước 15p, mở tab ra và làm quen với giao diện, nếu chưa nhìn thấy bao giờ. Hãy chuẩn bị mạng internet, máy tính, điện thoại tốt nhất có thể, thậm chí ra hàng game siêu tốc nếu cần. Không mở các giao diện khác ngoài trang đăng ký vắc xin”.
Nhiều bà mẹ sẵn sàng trả tiền nhờ người đăng ký vắc xin dịch vụ. |
Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra
Tuy nhiên, anh Hải thú thực rằng tất cả còn phải đợi “kịch bản may mắn là mạng nhanh”. Đến khi bấm các nút mua, anh Hải rút ra quy tắc nên kiên nhẫn đợi khi bị chờ gửi (hình xoáy tròn) hoặc lỗi cảnh báo, thì cứ bấm tiếp vài lần nữa và không nên thoát ra vào lại, hoặc tạo một lượt mua vé khác hoặc ngày khác.
“Chỉ nên nhờ chồng hoặc 1,2 người bạn làm công nghệ giúp, không nên nhờ người già, gà mờ...lên chỉ tổ tắc nghẽn thêm hệ thống”, anh Hải rút ra kinh nghiệm xương máu.
Không nhiều mẹo như các trường hợp trên, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Đông, Hà Nội) phải huy động hàng chục người thân chỉ để có được một mũi tiêm cho con. Bé trai nhà chị đã gần 2 tuổi nhưng vẫn thiếu 1 mũi tiêm 5 trong 1 vì thường xuyên bị ốm.
“Cơ thể cháu yếu nên tôi quyết tâm “săn” bằng được mũi cuối. Mỗi lần đăng ký, tôi huy động cả chục người thân nhưng thường ra về tay trắng”, chị Thủy chia sẻ.
Chính vì thế, đợt đăng ký tiêm dịch vụ vào đầu tháng 5 vừa qua, chị đã phải thuê người đăng ký với giá 500.000 đồng. “Cả nhà toàn dân IT mà chịu thua nhà mạng. Tôi nhờ 2 người đăng ký thì được cả 2 mũi. Đúng là không thể hiểu được”, chị thắc mắc.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều gia đình còn “chuyển nhượng” lại phiếu tiêm thừa cho trẻ khác với mức giá giao động từ 400.000 – 600.000 đồng/1 phiếu. Họ lý giải đó là “công” chầu chực đăng ký vắc xin.
Trước đó, từng trả lời PV báo Người đưa tin về tình trạng khan hiếm vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trường cục Y tế dự phòng, bộ Y tế dự báo năm 2016 vẫn còn khan hiếm. Nguyên nhân là do nhà cung cấp. Vắc xin cung cấp dịch vụ có đặc điểm là cung cầu theo cơ chế thị trường, nhu cầu của người dân và nhà cung cấp. Khan hiếm vắc xin tổng hợp dịch vụ là do đơn vị sản xuất đang trong quá trình thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất. Điều này dẫn tới nguồn cung vắc xin bị đình trệ, ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Được biết, vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được dự trù hằng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng. Trong khi đó, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Vấn đề mấu chốt là do nhà sản xuất không có hàng để đáp ứng, nên mặc dù có mong mỏi, việc khắc phục tình trạng khan hiếm vắc xin vẫn chưa thể cải thiện.
Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)