Kinh hoàng ăn giấm gạo làm từ axit đậm đặc và làm thế nào để nhận biết giấm sạch?

15/12/2016 08:54:00

Bên cạnh mối nguy pha chế từ axit axetic công nghiệp, chiếc lọ đựng giấm không mấy sạch sẽ trước khi rót giấm vào cũng là nguồn lây nhiễm bệnh tật không nhỏ.

Bên cạnh mối nguy pha chế từ axit axetic công nghiệp, chiếc lọ đựng giấm không mấy sạch sẽ trước khi rót giấm vào cũng là nguồn lây nhiễm bệnh tật không nhỏ.
 
Mới đây, một cơ sở làm giấm gạo nằm trong một ngõ nhỏ tại đường Phú Yên, quận Long Biên (Hà Nội) đã bị phát hiện làm giả. Ít ai ngờ rằng, trong căn nhà sập xệ này lại sản xuất một số lượng giấm gạo khủng với 1000 chai mỗi ngày.
 
Để sản xuất một thùng 200 lít giấm gạo, thực chất, cơ sở này chỉ sử dụng 60 lít giấm gốc pha với 130 lít nước lã. Với mục đích tạo nên độ chua, mùi thơm và màu sắc giống giấm gạo, chủ cơ sở này đã tiết lộ cho thêm 4 lít axit axetic công nghiệp và 10% hóa chất tạo màu, mùi. Chưa hết, chủ cơ sở còn cho thêm cả loại axit đậm đặc, bốc khói ngay khi mở nắp can trong quá trình sản xuất giấm.
 
nhận biết giấm sạch

Đặc biệt, sau khi cân đo đong đếm tạo ra một hỗn hợp gia vị mang tên giấm gạo, tại đây, người ta cũng không có thói quen sử dụng dụng cụ đo đếm, giấm đều được đóng thẳng vào chai, dán nhãn mác đầy đủ. Giấm thành phẩm tiếp tục được cho vào các vỏ thùng đựng nước khoáng, chở đi tiêu thụ tại các chợ ở Hà Nội.
 
Trước đó, vào ngày 7/4, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) kiểm tra, phát hiện xe tải phát hiện 30 thùng các tông, mỗi thùng chứa 24 chai nước dán nhãn mác giấm gạo Kim Quỳnh vi phạm sản xuất. Kiểm tra nơi sản xuất, lực lượng kiểm tra phát hiện 146 thùng dán mác giấm gạo Kim Quỳnh đang cất trong kho; 3 chiếc can loại 20 lít có ghi nhãn acetic acid (2 can đã sử dụng hết); hàng trăm chai nhựa loại 500 ml và 1,5 lít; 2.700 tem nhãn giấm gạo Kim Quỳnh chưa sử dụng.
 
Chủ cơ sở khai nhận đã dùng axit axetic pha với nước lã rồi đóng vào chai (loại 500 ml và 1,5 lít) theo công thức 1 lít axit pha với 100 lít nước lã sẽ cho ra khoảng 101 lít nước giấm gạo. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất được 15 thùng (mỗi thùng có 24 chai) và bán với giá 25.000 đồng/thùng.
 
Trước những thông tin này, người tiêu dùng vô cùng hoang mang không biết làm thế nào để mua được loại giấm chất lượng? Ăn phải giấm được pha chế từ axit đậm đặc, axit axetic quá lượng, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ nguy hại như thế nào? Làm thế nào để mua được giấm sạch cho gia đình?
 
nhận biết giấm sạch
Giấm gạo làm từ axit axetic công nghiệp không được phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), giấm là một dung dịch chất lỏng có vị chua dịu, được hình thành từ men của rượu etylic. Thành phần chính cấu tạo lên giấm ăn là axit axetic (CH3COOH) có nồng độ 2-5% và nước.
 
Tuy nhiên, axit axetic để làm giấm phải là loại axit axetic tự nhiên. Đây chính là loại axit axetic được sử dụng trong thực phẩm và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. “Còn nếu sử dụng axit axetic công nghiệp thì sẽ gây nguy hại sức khỏe. Thực tế, axit axetic sản xuất công nghiệp không được sử dụng trong thực phẩm”, PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.
 
nhận biết giấm sạch

Do đó, hành động pha giấm với axit axetic sản xuất công nghiệp không chỉ dừng lại ở hình thức gian lận thương mại nữa. Ăn loại giấm làm từ axit axetic công nghiệp hay những loại axit đậm đặc, không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ có thể gây tổn hại lớn cho sức khỏe. Nơi tiếp nhận đầu tiên và bị ảnh hưởng lớn nhất chính là dạ dày, hệ thống tiêu hóa. Một khi hệ thống tiêu hóa, đường ruột gặp vấn đề thì sẽ có rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính mà bạn không thể lường trước được.
 
Theo vị chuyên gia này, nếu thành phần axit axetic chiếm 2-5% thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều hoặc dùng kèm với những loại axit cũng như những hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ khác thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang đùa giỡn với tính mạng của chính mình. 
 
“Chưa kể, người pha chế có thể sơ suất hoặc không hiểu biết về hóa học, pha chế lượng axit axetic vượt ngưỡng cho phép sẽ gây viêm loét dạ dày, có nguy cơ bi ngộ độc thần kinh, ung thư, thậm chí là tử vong”, chuyên gia cảnh báo.
 
Chung nhận định này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Sinh học Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, giấm đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe vì rất giàu vitamin, axit amin, axit hữu cơ. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần mua ở những nơi uy tín, hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn giấm ăn, tốt hơn hết là tự làm tại nhà.
 
nhận biết giấm sạch

Bên cạnh mối nguy pha chế từ axit axetic công nghiệp, chai/lọ đựng giấm làm từ những chai nước khoáng không mấy sạch sẽ trước khi rót giấm vào cũng là nguồn lây nhiễm bệnh tật không nhỏ. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, có nhiều loại nhựa để đựng giấm như nhựa polyetylen (tốt nhất là màu trắng) và nhựa PET (chai đựng nước tinh khiết)… Trong đó, vì nhu cầu chuộc lợi, nhiều cơ sở có thể sử dụng cả nhựa PVC để đựng giấm, trong khi loại nhựa này chỉ được sử dụng để đựng thực phẩm khô, trung tính.
 
“Nếu chai lọ đựng giấm không sạch sẽ sẽ tạo nên một loại giấm tạp chủng với nhiều loại vi sinh vật, không đảm bảo độ chua, thơm dịu cũng như an toàn cho sức khỏe”, ông Thịnh nói.
 
Để phân biệt giấm sạch và giấm pha chế bằng axit axetic công nghiệp, các chuyên gia lưu ý người tiêu dùng cần quan sát kỹ những dấu hiệu sau:
 
- Màu sắc: Giấm pha chế có màu trong suốt, không vẩn cặn, lắc mạnh bọt tan nhanh. Nên chọn giấm có mảng kết tủa do xác giấm bị lão hóa, khi lắc, bọt trong chai chậm tan.
 
- Hương vị: Giấm pha chế thường có mùi este hoặc cồn đặc trưng, vị chua gắt, hắc. Trong khi đó, giấm lên men tự nhiên có hương thơm dịu nhẹ, không bay lên ngay khi ta mở nắp. Riêng giấm gạo thì có mùi chua thanh, vị dịu ngọt.
 
- Giá thành: Giấm pha axit có giá rẻ hơn rất nhiều, đó là lý do nhiều loại giấm tràn lan ngoài thị trường giá chỉ 3000-5000 đồng/ chai.  
 
Theo Tiểu Nguyễn (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật