Kinh hãi sulfat đồng "nhuộm" xanh nước bể bơi

22/05/2015 14:24:43

“Ít có hồ bơi nào thay nước thường xuyên. Người ta dùng hóa chất để làm sạch và trong xanh nước”- theo lời của một thanh niên từng làm ở bể bơi, PV Báo GĐ&XH đã tìm mua các loại hóa chất làm trong xanh nước.

“Ít có hồ bơi nào thay nước thường xuyên. Người ta dùng hóa chất để làm sạch và trong xanh nước”- theo lời của một thanh niên từng làm ở bể bơi, PV Báo GĐ&XH đã tìm mua các loại hóa chất làm trong xanh nước. Chỉ mấy giây sau khi dùng hóa chất, nước vốn dĩ không hề sạch đã trở nên trong xanh ngăn ngắt.
 
Với lời giới thiệu của một chủ cửa hàng hóa chất ngành nhựa trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội), trong vai "cô cháu gái đi tìm hóa chất làm xanh nước cho ông chú, hiện đang muốn kinh doanh bể bơi ở Sóc Sơn”, chúng tôi tìm đến một cửa hàng hóa chất trên phố Hàng Hòm.
 

Bột đồng sulfat do PV mua lại Hàng Hòm (Hà Nội). Ảnh: nguyên hạnh
 
Người đàn ông đứng tuổi tỏ vẻ nghi ngờ nhìn tôi từ đầu đến chân. Một lát, chợt nhớ ra tên người quen, ông này “à” lên một tiếng rồi chỉ vào tôi hỏi: “Có phải hỏi cho chú T không? Ở Sóc Sơn, chỉ có ông T là nổi tiếng. Tôi biết rồi, còn số của chú ấy đây, điện thoại của chú ấy có đuôi số… đúng không? Giờ cô muốn gì?”. “Dạ, chú ấy có cái bể bơi khoảng 40m2 nhưng sử dụng nước giếng khoan. Giờ nước cứ đen đen. Chú ấy muốn mua chất gì đó làm xanh nước như bể bơi ở thành phố cho bắt mắt”. “Đơn giản thôi, bảo ông ấy dùng bột đồng sulfat. Còn Chlorine thì loại gì cũng có.
 
Từ Chlorine dạng viên, dạng bột của Nhật, Trung Quốc… đến Cộng hòa Séc cũng đều có”, người đàn ông này cho biết. “Nhưng loại bột đồng này độc hại không? Nhỡ mọi người bị làm sao thì nhà chú em sạt nghiệp đấy”. “Thì cho ít ít thôi. Ai bảo cô cho nhiều quá làm gì?”, người đàn ông nói rồi chỉ tôi sang cửa hàng thứ hai của gia đình ở bên kia đường để xem sản phẩm. “1kg bột đồng sulfat giá 100.000 đồng. 1kg Chlorine của Nhật giá 165.000 đồng. Tuy nhiên, nếu nhà chị kinh doanh bể, có thể lấy loại của Trung Quốc cho rẻ. Mỗi thùng 25kg Chlorine chỉ có giá 95.000 đồng thôi, dùng thoải mái. Sau khi cho bột này xuống bể, sục đều lên, nước sẽ xanh ngắt”, người bán hàng cho biết.

Với 0,5 kg bột đồng trên tay, chúng tôi vào cuộc thử nghiệm. Chúng tôi xả khoảng 2 lít nước vào bồn rửa mặt và cho vào một thìa café bột đồng sulfat rồi khuấy đều. Chỉ mấy giây sau, nước trong bồn xanh ngăn ngắt như vẫn thường thấy ở các bể bơi. Nhúng một tờ giấy trắng vào nước, để khoảng 5 phút, tờ giấy có màu xanh thẫm. Khi ngâm tay vào nước này, trên da có cảm giác hơi nhờn, phải rửa kĩ bằng nước sạch mới hết.

Càng “siêu tác dụng” càng độc

Theo một cựu nhân viên ở một bể bơi lớn tại Hà Nội, các bể bơi công cộng rất ít khi thay nước. Để làm sạch, người ta dùng chất trung hòa nước, Chlorine diệt khuẩn và các thuốc diệt rong, tảo trong hồ bơi. Trong đó, sunfat đồng là một trong những chất dùng để diệt tảo xanh và diệt khuẩn. Ngoài ra, tại nhiều cửa hàng hóa chất có bán một loại hóa chất được quảng cáo “siêu tác dụng”, có thể làm sáng trong và xanh nước hồ bơi có tên Pool Clear, với giá 420.000 đồng/bình 1 lít. Hóa chất này cũng được quảng cáo là diệt rêu và làm sạch nước hồ.
 

Một loại hóa chất làm sáng trong và xanh nước hồ bơi.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Viện Khoa học vật lý Hà Nội) cho biết, hiện có rất nhiều hoạt chất làm trong và sạch nước hồ. Tuy nhiên, nhiều người chủ yếu sử dụng ChloraminB, Chlorine hoặc sulfat đồng và một số hóa chất diệt rêu, tảo khác… Tuy nhiên, các chất này đều rất nguy hiểm nếu dùng quá liều lượng. Riêng với bột sulfat đồng, khi nuốt vào cơ thể có thể gây viêm đại tràng, viêm dạ dày, ảnh hưởng đến gan và gây viêm đường hô hấp. Điều này nhiều người đã biết qua kiến thức hóa học trong sách giáo khoa THCS. Thậm chí, nhiều người bị đau mắt đỏ, lở loét miệng, bị hỏng võng mạc mắt, bị bệnh da liễu nếu tiếp xúc với các chất hóa học này quá nhiều.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Khải, những chất gì càng “siêu tác dụng” thì càng độc. Đặc biệt, nguyên tắc sử dụng bể bơi trẻ em là khi trẻ tắm được khoảng nửa giờ thì rút nước bể bơi khoảng 50% và thay nước dần vào để đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, ở nước ta, rất ít bể công cộng làm thế vì tốn công, tốn điện và tốn… nước. Nhiều nơi còn tiết kiệm, mua loại hóa chất rởm, bể bơi có quá nhiều người, không tắm tráng trước khi xuống bể… nên nhiều dịch bệnh bị lây lan hoặc phát sinh từ đây.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua chất làm trong và sạch nước, người phụ trách dự án của Công ty Thương mại xây dựng hồ bơi Vina (Vina Pool) khuyên: “Tôi khuyên chị chân thành, nếu làm hồ bơi gia đình thì không nên lạm dụng hóa chất vì rất độc hại. Chị có thể bơm nước sạch vào hồ. Muốn nước có màu xanh, trước hết, khi xây bể, gia đình tráng men xanh ở dưới. Cố gắng xây dựng hệ thống lọc nước sạch và lọc nước hàng ngày. Có thể vận hành lọc nước 2 lần/ngày, mỗi lần chạy liên tục từ 4 – 6 giờ để đảm bảo toàn bộ thể tích nước được lọc trong một lần lọc. Vận hành lọc vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Nếu khi hồ bơi có nhiều người hơn so với bình thường thì nên tăng thêm thời gian lọc khoảng 2 – 3 giờ.
 
Điều quan trọng là giữ cho lượng Clo với nồng độ pH hợp lý để hồ bơi sạch và trong, có thể nhìn thấy đáy. Nhưng nếu chị đi tắm ở bể bơi công cộng, “mẹo” để biết bể đó lạm dụng hóa chất là nước có màu xanh nhờ nhờ, không nhìn thấy đáy”. Tuy nhiên, cũng theo người này, nếu lắp hệ thống lọc cho bể bơi nhỏ (khoảng 25m2) cũng mất khoảng 40 triệu đồng, chưa kể người vận hành. Vì vậy, nhiều nơi thường tiết kiệm và chỉ dùng hóa chất nên ảnh hưởng đến người sử dụng.
 
Sulfat đồng là chất độc hại

Sulfat đồng, một phần được ứng dụng để ngăn chặn tảo phát triển. Tuy nhiên nước có chứa sulfat đồng sẽ có mùi vị kim loại rất khó chịu và có thể làm buồn nôn. Nước có chứa sulfat đồng gây tác hại đến sức khỏe nếu uống phải, làm đau xót mắt, da và các màng da nhờn. Bên cạnh đó, sulfat đồng độc hại đối với tất cả mọi loại thủy – sinh vật và gây tác hại cho môi trường nước lâu dài.
 
Trong tài liệu ứng dụng sulfat đồng có ghi rõ ràng: Không nên cho trẻ em đụng vào, khi thải bỏ, sulfat đồng được xếp hạng là chất thải độc hại…

(Bác sỹ Wolfgang Hilbe, chuyên gia người Đức về bệnh trẻ em)
 
Chỉ 1/3 bể bơi ở Hà Nội đạt chỉ tiêu quy định

Đầu tháng 5/2015, qua kiểm tra rà soát, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phát đi cảnh báo: 100% bể bơi trên địa bàn Hà Nội vi phạm quy định đảm bảo an toàn. Quy định đã chỉ rõ các bể bơi phải lấy mẫu xét nghiệm 7 chỉ số ít nhất 1 lần/tuần và lưu mẫu nước mỗi lần kiểm tra tối thiểu 5 ngày. Tuy nhiên, qua giám sát, 100% bể bơi không xét nghiệm, lưu mẫu nước hàng ngày. Chỉ 1/3 trong tổng số 137 bể bơi ở Hà Nội đạt các chỉ tiêu theo quy định.
 
Theo Nguyên Hạnh (Giadinh.net.vn)

Nổi bật