Không chăm nổi vợ thì để mẹ đón con gái mẹ về nhà

27/07/2016 09:15:00

Nếu như trước đây, nhiều bà mẹ thường động viên con gái cư xử với gia đình nhà chồng “một điều nhịn, chín điều lành” thì ngày nay các bà thường sẵn sàng đón con gái đã về nhà chồng trở lại nhà hoặc khuyên con mạnh mẽ buông bỏ.

 
Nếu như trước đây, nhiều bà mẹ thường động viên con gái cư xử với gia đình nhà chồng “một điều nhịn, chín điều lành” thì ngày nay các bà thường sẵn sàng đón con gái đã về nhà chồng trở lại nhà hoặc khuyên con mạnh mẽ buông bỏ.
 

Chị Vũ Thị Chung (ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ những năm tháng tủi cực khi ở gia đình nhà chồng. Khi lấy nhau về, gia đình chồng đã xin cho chị công việc thuận lợi, nên hơn 20 năm qua chị đã phải chịu đựng cay đắng, tủi cực. Chồng làm ra đồng nào thì giữ hết để bao bạn bè nhậu nhẹt mặc kệ vợ con khổ sở. Khi hai con còn nhỏ, chị Chung phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi con, gửi con. Đi làm cả ngày mà trưa chị cũng chỉ dám ăn xôi, hoặc bánh mì. Thứ gì chị làm, chị mua anh cũng chê bai, mà vẫn phải im thít vì mở miệng là chồng đánh thâm tím mặt mày, hoặc đập phá đồ đạc. Hai lần chị phải nằm viện, gọi điện báo chồng thì anh ấy bảo bận nhậu, gọi mẹ đẻ lên mà trông. Nửa tháng trời nằm viện, chị Chung đã hiểu mình lấy nhầm chồng vô tâm, đoạn tình. Chị mệt mỏi, cay đắng, khổ cực ám ảnh cả trong giấc ngủ.

Mẹ đẻ luôn là chỗ dựa cho con gái khi xảy ra những biến cố trong hôn nhân. Ảnh minh họa
Mẹ đẻ luôn là chỗ dựa cho con gái khi xảy ra những biến cố trong hôn nhân. Ảnh minh họa.

Gia đình chồng người thì trước mặt ngọt nhạt xin tiền, xin quà, sau lưng nhắn tin nói xấu để chồng đánh đập, chửi bới chị. Bố chồng gọi điện chửi chị lừa con ông có bầu rồi bắt nó cưới, làm con ông khổ cả đời… Cả nhà anh hùa vào xúi bẩy hành hạ chị. Nhà cửa lúc nào cũng có tiếng đổ vỡ, tiếng khóc lóc, chửi bới…

Đến giờ, khi con gái út của chị Chung lấy chồng hoàn cảnh cũng gần giống như cuộc đời của mẹ. Con gái út của chị vốn là thợ may, nhà chồng thuộc hàng khá giả. Cưới xong nhà chồng không cho con gái chị đi làm, ở nhà quán xuyến mọi việc cơm, nước, chợ búa trong ngôi nhà 5 tầng. Thế nhưng con gái út của chị Chung vẫn luôn bị mẹ chồng, em chồng chửi mắng, gây sự. Ngay cả khi sinh nở, con gái chị Chung cũng chỉ được nghỉ ngơi một tháng rồi mọi việc lại phải tay năm, tay mười. Tuy ở chung thành phố nhưng một năm chỉ vài lần con gái được chạy về thăm mẹ. Có lần chị Chung hỏi tại sao gia đình chồng có điều kiện mà con ngày càng xanh xao thế? Con gái chị bật khóc kể lại công việc hàng ngày phải làm cực nhọc, tối thì làm vợ, chăm hai con nhỏ mà không ai giúp… Nghĩ lại cuộc đời của mình, xót con quá, chị bảo con để mẹ bảo con rể, nếu không chăm sóc được vợ thì để mẹ đón con gái về.

Chị Thanh (ở Đào Tấn, Hà Nội) lại có tâm sự buồn khác, con gái chị luôn bị bạo hành tinh thần. Ở chung với nhà chồng, nhưng đêm nào lên giường là vợ cũng bị chồng hành: “Ngủ với bao nhiêu thằng rồi…”, rồi ấn đầu, giật tóc, bóp cổ không cho vợ giải thích, cũng không cho la hét vì sợ người nhà biết chuyện. Con gái chị Thanh làm nghề tự do, bươn chải từ bán quần áo, bán cháo dinh dưỡng, ship hàng thuê… quần quật từ 4 giờ sáng đến tận đêm. Mỗi lần đến thăm, nghe hàng xóm kể con gái mình quần quật làm việc mà vẫn bị chồng đánh khiến chị rơi nước mắt. Chị Thanh thường nói với con khi chỉ có hai mẹ con: “Nếu không chịu được thì về với mẹ. Buông bỏ đi con ạ”.

Chị Thương (ở quận 1, TPHCM) tâm sự, bố mẹ chị có mỗi chị là con gái và không ưng ý chàng rể lắm, nhưng vì chị yêu nên bố mẹ chiều lòng cho cưới. Trước khi cưới, mẹ sang ngủ chung với con và bảo, cuộc đời làm gì sai cũng có thể làm lại dù đó là hôn nhân. Có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng nên nói với cha mẹ và đừng để mình bị ai bắt nạt.

Bố chị là nhà giáo song cũng khuyên con gái rằng, nếu chồng tử tế thì con phải nhu thuận, hết lòng với chồng, với gia đình chồng. Nhưng nếu sau này chồng con nghiện ngập, gái gú, đánh vợ, chửi con thì về với bố. Bố mẹ không sợ điều tiếng, chỉ sợ cuộc đời con không hạnh phúc rồi tổn thương tới con cái. Bởi những đứa trẻ chứng kiến cha mẹ đánh chửi nhau… sẽ tự ti, lớn lên sẽ học tính xấu bạo lực của cha, tính tự ti sợ hãi của mẹ và gặp vô vàn khó khăn trong giao tiếp. Cả cuộc hôn nhân sau này rất có thể tiêm nhiễm tiêu cực và mất niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc.

Luôn có một chốn để trở về

Theo chuyên viên tư vấn Phạm Hoa (Viện Nghiên cứu Tâm lý Giáo dục và Pháp luật) chia sẻ, Việt Nam có câu ca rằng:

Thân em như giọt mưa sa

Giọt vào gác tía, giọt ra ngoài đồng

Ý nói phụ nữ lấy nhầm chồng thì cực khổ. Nếu trước kia, việc con gái trở về nhà bố mẹ đẻ là nỗi xấu hổ của gia đình, thì ngày nay nhiều bố mẹ đã mở cửa đón con gái trở về nhà.

Trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình phụ nữ rất quan trọng, nhưng luôn cần sự vun đắp của cả hai. Vấn đề nên hay không nên ly hôn, đúng hay không đúng khi trở về nhà bố mẹ đẻ là rất khó trả lời thích đáng, vì mỗi gia đình có một hoàn cảnh cụ thể khác nhau.

Về với bố mẹ đẻ là điều không ai muốn nhưng đừng chọn gồng mình sống với cuộc hôn nhân rơi vào vực thẳm. Có những chuẩn mực được đặt ra để dành cho số đông, không phải là tất cả. Dù cuộc đời có sóng gió thế nào, thì những người mẹ vẫn ở bên con. Tuy nhiên, không phải ai không hạnh phúc là ly hôn, bởi ít ràng buộc thì không sao nhưng có con cái và nhiều mối quan hệ khác thì nhiều khi rất khó buông bỏ.

Bà Phạm Hoa cũng cho biết thêm, trường hợp con gái ly hôn trở về nhà bố mẹ đẻ, được bố mẹ đẻ bao dung, chia sẻ sẽ có cơ hội lựa chọn lại cho đúng. Tuy nhiên, số này thường xảy ra ở thành phố. Còn phần lớn các bậc cha mẹ ở nông thôn vẫn quan niệm con gái lấy chồng là con người ta, nên nhiều cô con gái còn không dám trở về nhà vì biết bố mẹ đẻ không chấp nhận. Hoặc có nhà miễn cưỡng nhận con gái về, nhưng lại trách móc gây thêm áp lực cho con gái.

Ngày nay nhiều bà mẹ khuyên con gái hãy biết dũng cảm níu giữ, hoặc mạnh mẽ buông bỏ. Họ không muốn con gái phải cam chịu, nhịn nhục, níu giữ những thứ đã mất. “Gái một lần đò” chẳng ai muốn, nhưng đừng chọn gồng mình sống với cuộc hôn nhân rơi vào vực thẳm.

Bà Phạm Hoa (Viện Nghiên cứu Tâm lý Giáo dục và Pháp luật)

Theo Uyển Hương (Giadinh.net.vn)