Trong một lần đi chơi trở về nhà, bé gái bất ngờ lên cơn sốt, đau bụng và liên tục khóc thét và không thể ăn uống được. Tình trạng này kéo dài dù gia đình đã tìm đủ phương cách chữa trị.
Cô bé 13 tuổi bị căn bệnh hiếm gặp khiến 6 tháng không thể đi đại tiện. |
Bệnh nhi A. |
Tuy nhiên trong suốt thời gian 2 tháng chữa trị, bệnh tình bé gái không thuyên giảm mà có phần nặng lên. Khi người nhà đưa em đến một BV khác, cô bé cũng được nội soi dạ dày và tiếp tục được chữa trị theo hướng giải quyết vấn đề ở đường tiêu hoá. Tuy nhiên, cứ hễ đến cữ ăn, bé gái ăn vào là bụng lại đau thấu. Trước tình hình này, các BS điều trị lại tiếp tục ngiêng về hướng bé gái có vấn đề về tâm lý.
Thêm một thời gian điều trị tâm lý nhưng không có kết quả, chỉ sau vài tháng, bé gái sụt đến 10kg. Vì không ăn uống được nên trong nhiều tháng trời từ lúc phát bệnh, em cũng không thể đi vệ sinh.
Ảnh chụp siêu âm cho thấy tá tràng bệnh nhi bị tắc. |
Khi người nhà đưa cháu bé dến BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong thế "không còn gì để mất" cũng là lúc bệnh nhi không thể đi được và rất kiệt sức, được gia đình đẩy bằng xe đẩy hoặc dìu đi.
Tuy nhiên lúc này, sau khi nghe về bệnh cảnh, BS siêu âm liền nghĩ ngay cháu bé bị một bệnh lý hiếm gặp. Thay vì được nội soi dạ dày, bé được các BS CT động mạch để chẩn đoán, và từ đó xác nhận chính xác tình trạng mà bé đang mắc phải.
BS Đào Trung Hiếu nói về ca bệnh hiếm gặp. |
BS CKII Nguyễn Hữu Chí, trưởng khoa siêu âm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người trực tiếp siêu âm cho bé A. chia sẻ, ngay khi nghe về triệu chứng bệnh cũng như việc điều trị dạ dày không hiệu quả, BS đã nghĩ ngay cháu bé bị vấn đề liên quan đến đường ruột. Sau khi tiến hành siêu âm, ông kết luận bệnh nhi mắc hội chứng kìm mạch máu tá tràng. Bệnh lý này do mạch máu đè lên tá tràng (D3) làm tắc tá tràng. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhi bị đau và nôn ói đến mức không thể tiếp nhận thức ăn.
Người mẹ cho biết trong quá trình chữa bệnh cho con, gia đình có lúc tưởng con bị "nhập". |
ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết, sau khi xác định tình trạng bệnh của bé A., ekip điều trị đã xử lý bằng cách phẫu thuật bắc cầu, mở 1 đường thông nối giữa đường ruột qua chỗ tắc để cho thức ăn thông xuống ruột non bằng đường khác. Ca phẫu thuật kéo dài 24 tiếng thành công giúp bệnh nhi hết đau bụng quằn quại, đã ăn uống được mà không ói, trung đại tiện bình thường sau 6 tháng dài "bí bách". Một tuần sau phẫu thuật, bé đã tăng được khoảng 1kg.
Có mặt tại BV, mẹ bé A. không khỏi xúc động. Bà cho biết suốt thời gian cháu bé bệnh, bà chạy chữa khắp nơi nhưng điều vô vọng. Thậm chí thấy bé cứ khóc thé vì đau đớn, có lúc gia đình nghĩ bé A. bị ma nhập, thần kinh mà cho đi trừ tà, vào chùa cúng tế.
Hiện tình trạng sức khoẻ bệnh nhi đã ổn định. |
Nói về mức độ hiếm gặp của hội chứng kìm mạch máu, BS Đào Trung Hiếu cho biết, trong 10 năm trở lại đây, BV chỉ tiếp nhận điều trị khoảng 7 ca. Vì số bệnh nhân quá ít nên không thể tính được tỉ lệ mắc bệnh cụ thể.
"Bệnh kìm mạch máu tá tràng có nhiều nguyên nhân, do biến dạng cột sống hoặc do suy kiệt, mạch máu bất thường đè lên tá tràng, gây bán tắc tá tràng, thiếu máu, dần kẹp ép tĩnh mạch thận trái. Nếu không phát hiện kịp thời, bé Nga sẽ dần suy kiệt, dẫn đến mất nước trầm trọng, tử vong" – BS Hiếu cảnh báo.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)