Lâu nay ở một số gia đình thường có một quan niệm sai lầm khi cho rằng, bổn phận giữ gìn hạnh phúc gia đình là thuộc về người phụ nữ. Gia đình ấm êm hay bất hòa là đều do tội nợ của người vợ mà nên. Đây không chỉ là quan niệm thể hiện sự bất bình đẳng mà còn vô hình trung vô hiệu hóa vai trò của người chồng trong mối dây kết nối yêu thương của gia đình.
Gia đình bất hòa, tội nợ đổ hết lên vợ?
Một cặp vợ chồng mâu thuẫn cãi vã, đánh chửi nhau khiến cho người ngoài phải vào can thiệp. Người vợ mặc dù bị chồng đánh cho sưng mặt nhưng vẫn bị người ngoài chỉ trích là “tại chị nói nhiều quá”; “tại chị không biết nhẫn nhịn”, “tại chị không biết cơm sôi bớt lửa”... Một người chồng ngoại tình dẫn đến mối quan hệ vợ chồng trở nên bất hòa, căng thẳng. Khi câu chuyện được kể ra, người ngoài cuộc cũng thường đổ hết tội cho người vợ rằng “tại chị không biết giữ chồng”, “tại chị không biết quan tâm đến chồng”, “tại chị không khéo”, “tại chị không biết làm đẹp”…
Người ngoài cuộc ở đây thường là hàng xóm, là bạn bè, là đồng nghiệp, là cha mẹ hay anh em ruột thịt… Trong rất nhiều cuộc nghiên cứu về bạo lực gia đình do Trung tâm ứng dụng khoa học về Giới, môi trường phụ nữ và vị thành niên (viết tắt là Csaga) đã cho thấy rất rõ thực trạng này. Quan niệm mọi sự bất hòa trong mối quan hệ vợ chồng đều quy về lỗi của người vợ là suy nghĩ khá phổ biến khiến cho không ít người nữ rơi vào bế tắc tuyệt vọng. Họ thường bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi bị giằng xé giữa thực tế đời sống vợ chồng đầy sự bất công và hạnh phúc gia đình được gán lên đôi vai riêng họ.
Quan niệm đó thiên kiến đến mức, chỉ cần gõ từ “bổn phận của người vợ” thì trang Google sẽ cho ra một loạt kết quả với nội dung như: “Làm tròn bổn phận làm vợ, làm dâu thì không ông chồng nào nỡ phụ bạc”; “bổn phận của vợ là phải biết giữ chồng”… Nhưng nếu gõ từ khóa “bổn phận của người chồng” dường như không ra kết quả cụ thể nào để nói về nội dung này ngoài nội dung được quy định trong Kinh Phật hoặc Kinh Thánh.
Người Việt vốn có truyền thống tôn sùng đạo Phật, vậy nên chúng ta cùng tìm hiểu xem trong Kinh Phật đề cập thế nào đến vai trò của người vợ cũng như của người chồng. Trong kinh điển của đạo Phật, khi đề cập đến vấn đề hôn nhân gia đình, Đức Phật chỉ ra rất rõ những nguyên tắc để duy trì hạnh phúc. Bình đẳng, yêu thương chính là nguyên tắc xuyên suốt để tạo nên hạnh phúc trong các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ vợ chồng. Không chỉ người vợ phải kính trọng chồng mà người chồng cũng phải kính trọng vợ.
5 điều cần làm ở một người chồng theo lời Phật dạy
Muốn hôn nhân trở nên hạnh phúc bền lâu, trách nhiệm đó là của cả hai người, không chỉ của vợ mà chồng cũng đóng góp một nửa công tội trong đó. Về 5 điều mà một người làm chồng cần phải thực hiện được ghi lại trong Kinh Phật đã được các giảng sư giải thích như sau:
1- Người chồng phải biết thương yêu tôn trọng vợ là chất liệu làm nên hạnh phúc gia đình, do đó người chồng phải biết quan tâm nói những lời khen ngợi, về tài năng và đức hạnh của vợ mình.
Tôn trọng vợ là biết quan tâm, nói những lời khen ngợi về tài năng và đức hạnh của vợ, biết thương yêu và không khinh thường vợ trên tinh thần bình đẳng nam nữ, không nên coi vợ như người đầy tớ muốn mắng chửi, đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình.
2- Người chồng không nên khinh thường và hà hiếp vợ, nghĩa là biết thương yêu và không nên coi vợ như người giúp việc muốn mắng chửi đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình, như hiện nay chúng ta đã thường thấy.
3- Người chồng luôn thương yêu quý mến vợ như người bạn và một lòng sống thủy chung, đó là yếu tố chính để bảo vệ hạnh phúc tình yêu lứa đôi. Một gia đình thật sự an vui hạnh phúc là biết san sẻ cho nhau bằng trái tim yêu thương và có hiểu biết.
Chồng luôn thương yêu, quý mến vợ và một lòng sống thủy chung là yếu tố chính để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Một gia đình hạnh phúc trên thuận dưới hòa không thể có người chồng lăng nhăng, dan díu với người nữ khác.
4- Người chồng phải nên tin tưởng và giao quyền cho vợ, vì người phụ nữ thường quản lý, quán xuyến sắp xếp ổn định việc nhà giỏi hơn đàn ông, do đó chồng phải tin tưởng tuyệt đối giao quyền cho vợ.
5- Người chồng hãy nên hâm nóng lại tình yêu bằng cách mua đồ trang sức tặng cho vợ mình, nhân sinh nhật kỷ niệm ngày cưới. Thích làm đẹp và mang đồ trang sức đó là sở thích của người phụ nữ. Việc quan tâm tặng quà cho vợ để nhắc lại những kỷ niệm đẹp thời hai người mới yêu nhau, làm cho người nữ tăng thêm phần hạnh phúc hơn.
Lúc mới quen nhau người nam thường tặng quà cho người nữ để lấy lòng, khi đã chính thức nên duyên thì ít quan tâm đến cảm xúc hay vấn đề tặng quà cho vợ vì nghĩ nàng đã thuộc về mình.
Việc tặng quà cho vợ là cách thức hâm nóng lại tình yêu để phụ nữ tăng thêm nghị lực sống, cố gắng vượt qua những gian nan, khó khăn mà họ phải gánh lấy một mình khi làm vợ. Việc mua đồ trang sức tặng cho vợ là thể hiện mẫu người chồng lý tưởng, giúp cho tình nghĩa vợ chồng luôn được đẹp mãi theo thời gian.
GS Đặng Cảnh Khanh, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển cho rằng, theo quy luật tự nhiên thì bất cứ ai khi đứng ở vị trí nào cũng đều có vai trò bổn phận của mình. Trong gia đình cũng vậy, cha có bổn phận trách nhiệm của cha, con có bổn phận trách nhiệm của con, vợ có bổn phận trách nhiệm của vợ, chồng có bổn phận trách nhiệm của chồng… Cũng như trong công việc, ai cũng xác định rõ và làm tốt bổn phận trách nhiệm của mình thì công việc sẽ trôi chảy và thành công tốt đẹp. Trong gia đình, nếu mỗi thành viên đều xác định rõ và làm tốt bổn phận trách nhiệm của mình thì gia đình sẽ trở nên hưng thịnh, hạnh phúc. |
Theo Ngân Khánh (Giadinh.net.vn)