Thai phụ đã đổ xô tới các bệnh viện để xin kiểm tra. Nhiều người còn yêu cầu được bỏ tiền để tầm soát Zika.
Thai phụ không nên quá lo lắng để đổ xô tới BV tầm soát Zika |
Tuy nhiên, theo GĐ Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, việc thai phụ tới bệnh viện tầm soát Zika khi không có triệu chứng là điều không cần thiết.
Bởi sau khi tầm soát, các phụ nữ mang thai thấy mình không mắc bệnh, sẽ có thái độ chủ quan, không phòng chống muỗi chích nữa, khi ấy sẽ rất nguy hiểm.
Còn với thai nhi, trong quá trình kiểm tra thai kỳ theo quy định của bác sĩ, nếu có tật đầu nhỏ thì sẽ phát hiện ngay và sẽ có hướng xử lý phù hợp.
Ông Dũng cho hay, các triệu chứng khi mắc bệnh gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc hiện tượng nhức đầu, đau cơ, đau khớp.
“Các triệu chứng trên có thể khá mơ hồ, nhưng người nhiễm virus Zika chắc chắn sẽ phải có phát ban. Trường hợp có các triệu chứng trên mà không nổi phát ban thì cũng không phải” – ông Dũng khẳng định.
Vị GĐ này cũng nói rằng, việc gia tăng số người mắc virus Zika tại TP.HCM đã được dự báo từ trước. Các ca bệnh vốn đã lưu hành trên địa bàn, trong khi muỗi thì lúc nào cũng có, nên việc lây lan rộng là điều khó tránh khỏi.
Khi phát hiện người nhiễm, ngành chức năng sẽ tập trung khống chế để không phát sinh thành ổ dịch.
"Điều cốt lõi là người dân phải có ý thức trong việc diệt muỗi, diệt loăng quăng, dọn dẹp các vật chứa nước - nơi tạo điều kiện cho muỗi phát triển để tự bảo vệ mình" – ông Dũng nhấn mạnh.
Trường hợp đầu tiên nhiễm Zika ở Đồng Nai
Theo xác nhận từ Sở y tế Đồng Nai ngày 4/12, Viện Pasteur TP.HCM đã thông tin về trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn.
Đó là phụ nữ 24 tuổi, ngụ tại KP10, phường An Bình, TP Biên Hòa. Người này đã mang thai được 29 tuần.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng Zika. Ảnh: Báo ĐN |
Ngay sau khi nhận tin, ngành y tế Đồng Nai đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại nơi thai phụ sinh sống, kết hợp diệt lăng quăng nhằm khống chế không để xảy ra ca mắc mới trong khu vực.
Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 110 người nhiễm Zika. Trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 94 ca. Đắk Lắk và Bình Dương mỗi nơi 2 bệnh nhân.
Còn Khánh Hòa, Phú Yên và Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai mỗi nơi một ca.
Bé 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk, Đắk Lắk là trẻ đầu tiên ở Việt Nam ghi nhận mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.
Biểu hiện để nhận biết nhiễm virus Zika: - Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. - Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. - Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. |