Khi nào nên cắt amidan

08/07/2016 14:02:00

Trước khi quyết định có nên phẫu thuật cắt amidan cho bệnh nhân hay không, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc kỹ từng trường hợp cụ thể.

 
Trước khi quyết định có nên phẫu thuật cắt amidan cho bệnh nhân hay không, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc kỹ từng trường hợp cụ thể.
 

Amidan bình thường là tổ chức mô lympho có chức năng tạo ra 5 loại kháng thể Immunoglobuline bao gồm IgA, IgM, IgG, IgD và IgE theo những tỷ lệ khác nhau để bảo vệ cơ thể. Khi amidan bị viêm nhiễm nhiều lần thì khả năng bảo vệ đó giảm hẳn. Mặt khác amidan sẽ trở thành nơi vi trùng tích tụ nhiều hơn. Ở lứa tuổi từ 3 đến 8 thì amidan viêm thường kèm theo hiện tượng phình to lên nên đôi khi làm trẻ gặp khó khăn trong vấn đề hô hấp và ăn uống.

Ảnh minh họa: health.

Ảnh minh họa: health.

Cách điều trị viêm amidan ở trẻ em chủ yếu hiện nay là điều trị bảo tồn (phương pháp nội khoa) hoặc phẫu thuật cắt amidan.

Điều trị nội khoa là sử dụng thuốc kháng sinh, chống nhiễm khuẩn khi trẻ có dấu hiện bệnh viêm amidan do nhiễm vi khuẩn. Thường cho trẻ uống những loại kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ, thời gian sử dụng kháng sinh bảo đảm 7-10 ngày. Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về chữa trị cho trẻ tại nhà.

Trường hợp bệnh nặng, điều trị nội khoa nhiều lần không hiệu quả hoặc viêm amidan đã trở thành mạn tính, gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thì áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ amidan. Trước khi quyết định có nên thực hiện phẫu thuật cắt amidan hay không, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể.

Quyết định cắt amidan hiện nay không còn giới hạn theo tuổi. Viện Hàn lâm Tai Mũi Họng Mỹ chỉ định cắt amidan khi:

- Amidan quá to làm rối loạn hô hấp, trẻ có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, trẻ khó thở, thở co kéo hoặc co lõm lồng ngực thường xuyên.

- Trẻ bị viêm amidan với triệu chứng như sốt, đau họng, nổi hạch cổ, amidan viêm đỏ có chất xuất tiết tới 7 lần trong một năm, hoặc amidan chỉ viêm 5 lần trong một năm nhưng xảy ra trong 2 năm liên tiếp. Hoặc amidan chỉ viêm 3 lần trong một năm nhưng xảy ra trong 3 năm liên tiếp.

Ngoài ra còn có những chỉ định khác như:

- Amidan khi viêm là nguyên nhân gây sốt động kinh ở trẻ (sau khi đã loại trừ những nguyên nhân khác gây động kinh).

- Amidan cần được sinh thiết.

- Xét nghiệm phết họng tìm thấy liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A.

Bất cứ trẻ nào trong đời cũng có đôi lần bị viêm amidan, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của trẻ. Phụ huynh có thể hạn chế việc tái phát viêm amidan ở trẻ bằng những biện pháp:

- Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, đeo khẩu trang y tế và choàng khăn ấm cho trẻ khi ra đường để tránh gió lùa và bụi bẩn.

- Tuyệt đối không cho trẻ ăn hoặc uống đồ lạnh, những thực phẩm lấy trực tiếp từ trong tủ lạnh như nước đá, kem... tạo điều kiện cho tình trạng viêm họng, viêm amidan dễ xảy ra. Hạn chế sử dụng máy điều hòa để trẻ không bị cảm lạnh, dễ bị viêm amidan tái phát.

- Nên cho trẻ ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt. Những thức ăn còn ấm tốt cho trẻ có nguy cơ dễ bị viêm amidan.

- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt bằng việc nhắc nhở trẻ lớn thường xuyên súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý để loại trừ những mảng bám, tác nhân có thể xâm nhập và gây viêm amidan ở trẻ.

Theo Bác sĩ Đinh Thạc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) (VnExpress.net)

Nổi bật