Khi chồng "tay hòm chìa khóa"

04/08/2017 15:08:00

Thông thường trong gia đình, người vợ là “tay hòm chìa khóa”, là “công ty nhập khẩu chứ không ưa xuất khẩu”. Tuy nhiên, vẫn không ít trường hợp gia đình “đặc biệt” mà vị trí của người chồng thay đổi, nghĩa là vừa làm thủ trưởng, vừa kiêm luôn thủ quỹ. Và điều này đã xảy ra nhiều chuyện bi hài.

Thông thường trong gia đình, người vợ là “tay hòm chìa khóa”, là “công ty nhập khẩu chứ không ưa xuất khẩu”. Tuy nhiên, vẫn không ít trường hợp gia đình “đặc biệt” mà vị trí của người chồng thay đổi, nghĩa là vừa làm thủ trưởng, vừa kiêm luôn thủ quỹ. Và điều này đã xảy ra nhiều chuyện bi hài.

Từ ngày gia đình anh Tuấn Khanh (TPHCM) có thêm cậu nhóc Gia Bảo chào đời, Khanh có cảm giác như tiền vừa vào cửa trước đã ra cửa sau. Rõ ràng tiền lương của anh ngày càng có xu hướng đi lên, mà sao cứ mỗi lần anh cần một khoản tiền để lo việc lớn, chạy chỗ này chỗ kia cho công việc xuôi chèo mát mái thì Dung - vợ anh đều cáu kỉnh trả lời: “Tiền ăn còn không đủ, lấy đâu ra mà tiết kiệm!”.

Vẫn biết thêm một đứa con là thêm rất nhiều khoản phải chi tiêu, nhưng Khanh nhẩm tính, những khoản mà các bà vợ hay kêu ca nhất là tiền bỉm, sữa thì anh đã mua hằng tháng rồi. Tiền ăn thì hết bao nhiêu, mà không còn khoản tiết kiệm như thời vợ chồng còn son rỗi nhỉ?

 

Từ chỗ chỉ thắc mắc trong đầu, dần dà, băn khoăn của Khanh buột ra thành lời nói. Khanh nói được thì Dung cũng chẳng cần giữ kẽ làm gì. Cô như cái thùng đầy nước, có dịp là bung hết ra, cho Khanh hiểu rằng đừng tưởng lương anh đưa về cho vợ là đủ để trang trải cuộc sống của hai vợ chồng, một cậu bé con và người giúp việc.

Những thắc mắc của Khanh về việc “không biết tiền chạy đi đằng nào?” làm cô tủi thân kinh khủng. Cô đã phải tìm mọi cách để kiếm thêm tiền, ngoài lương, nhưng cũng chỉ đủ đắp cho cuộc sống, lấy đâu ra dư dả để Khánh thích rút tiền ra lúc nào thì rút. Cô lên giọng: “Từ giờ trở đi anh cầm hết tiền rồi đi chợ, xem em tiêu hoang như thế nào”.

Tưởng lúc nóng giận thì dọa nhau thế thôi, không ngờ Dung thực hiện luôn. Khánh đánh răng rửa mặt xong, đã thấy xấp tiền vợ để gọn ghẽ trong một tờ giấy toàn các con số. Đó là bản liệt kê số tiền cố định hằng tháng của hai vợ chồng, trừ đi khoản Dung đã tiêu, ra chỗ còn lại.

Không khí trong nhà nặng nề đến mức bà giúp việc cũng cảm nhận được. Bà kéo Dung ra ngoài nói nhỏ: “Vợ chồng cô chú có khó khăn quá thì cứ để cuối năm tôi lấy lương cũng được”. Dung lắc đầu: “Khó khăn mấy cháu cũng vẫn xoay được tiền trả cô hằng tháng, để cô gửi tiền tiết kiệm, sau này còn có đồng ra đồng vào. Vấn đề là chồng cháu không hiểu cho nỗi khổ của vợ. Anh ấy nghĩ cháu tiêu hoang. Đã vậy, cháu giao hết tiền cho anh ấy tự xoay xở”.

Chuyện chồng đòi “giữ tay hòm chìa khóa” gây sốc với Mai trong những ngày đầu tiên về làm vợ Tuấn. Tuấn và Mai mở một phòng mạch tư nho nhỏ vì hai vợ chồng cùng học chung ngành Y. Mỗi ngày, bệnh nhân đến khám và mua thuốc khá đông, Mai mừng lắm. Chồng khám, ra toa, vợ chích thuốc, gói thuốc, bận rộn mà hạnh phúc. Nhưng cuối buổi, Mai hỏi: “Hôm nay mình thu được bao nhiêu hả anh?”, thì Tuấn lừng khừng: “Thôi em đừng bận tâm, việc nhà để anh lo. Em lo đọc sách đi, nghĩ ngợi làm chi cho mệt”. Thế là Tuấn ung dung giữ hết tiền lương của hai đứa lẫn tiền làm thêm từ phòng mạch.

Mai dù học ngành Y nhưng vốn mê văn chương, nên cô “lãng mạn” nghĩ rằng mấy cái chuyện tiền bạc làm vẩn đục tình yêu son trẻ, thôi thì ai giữ tiền cũng được, anh cần cù giỏi giang cứ để anh giữ. Nhưng rồi lâu ngày Mai thấy “tự ái” khi Tuấn “kín kẽ” tới mức cái chìa khoá tủ cũng không cho cô nhìn thấy, và thậm chí Tuấn để tiền trong tủ nào Mai cũng không được biết.

Có đôi lúc, mấy chị chủ hụi tới góp, Mai ngẩn người ra vì chẳng biết Tuấn chơi dây hụi nào, chơi bao nhiêu, khiến mấy chị trố mắt ngạc nhiên, chắc nghĩ rằng cô vợ này chẳng thèm quan tâm gì đến chuyện gia đình. Và bực nhất là những nhu cầu sinh hoạt nho nhỏ của Mai đều bị động do phải chờ Tuấn đưa tiền. Có lần Mai đang nấu cơm, sờ tới chai nước tương, nước mắm thì hết sạch, phải chạy vào trạm xá gần đó tìm Tuấn mới có tiền ra chợ mà mua. Còn ăn điểm tâm buổi sáng hay đi gội đầu, làm móng, mua bánh kẹo, mua kẹp tóc, thậm chí mua đồ lót cũng phải chờ Tuấn chi tiền...

Quá mức chịu đựng, Mai lại kiên nhẫn thủ thỉ: “Anh giữ tiền cũng được, nhưng nên đưa cho em một khoản nhất định nào đó trong tuần để em mua mấy thứ lặt vặt”. Tuấn vẫn một mực: “Có sao đâu. Anh chẳng muốn em lo lắng”. Mai không thể nhịn nổi: “Có chồng có con thì phải lo, đó là chuyện bình thường, người phụ nữ nào chẳng vậy. Chỉ có phụ nữ không hề biết gì về ngân sách gia đình như em mới là bất bình thường”. Tuấn vẫn kiên quyết không thay đổi.

Nảy sinh nhiều vấn đề

Từ đó Mai hết hứng thú với những hoạt động trong nhà chồng. Cô có cảm giác căn nhà này không phải là nơi để cô ra sức vun đắp như ngày nào ấp ủ ước mơ. Cô thấy mình như kẻ ngoài cuộc, thậm chí còn tệ hơn người giúp việc, vì người giúp việc còn có quyền giữ đồng lương của chính họ, còn được tự do đi ăn chè, ăn cháo, đằng này cô không có một xu dính túi.

Trong lúc buồn chán, Mai chợt nghĩ, nếu rủi ro sau này Tuấn có vợ bé thì chắc chắn Mai không có một chút gì phòng thân, chỉ có hai bàn tay trắng. Yêu nhau thì yêu, nhưng ai biết được tương lai. Thêm một vài mâu thuẫn khác, thế là Mai quyết định chia tay. Giờ cô đã tự mình mua sắm nhà cửa, trang thiết bị trong gia đình, đầy đủ cho hai mẹ con, chỉ với hai bàn tay cần cù làm việc và đầu óc quán xuyến chặt chẽ. Nghĩ tới những ngày phải ngồi chờ để có tiền ăn điểm tâm, Mai rùng mình.

Còn Khánh bắt đầu đi chợ. Anh khoác cái ba lô, mang đôi giày thể thao, như ta đây đi thể dục buổi sáng. Chợ búa xong xuôi, anh cho hết thức ăn vào ba lô, thản nhiên đi về trước mắt hàng xóm, như ta đây đã thể dục khỏe khoắn lắm rồi. “Anh ơi, hết cam rồi. Anh đừng mua cam sọt anh nhé. Cam không rõ nguồn gốc, sợ lắm. Anh cứ vào siêu thị ấy, đắt hơn một chút nhưng tin được, vì nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. “Hai hôm nay hết váng sữa cho con rồi. Anh nhớ mua 2 vỉ để được tặng 1 hộp nhé”. “Bà Mai mời đi ăn nhà mới đấy. Anh chuẩn bị phong bì giúp em”. “Chả mấy khi ông bà nội ra thăm cháu, anh mua 2 cân tôm sú về hấp bia cho rôm rả”…

Cứ sau mỗi tiếng “Anh ơi” ngọt ngào của Dung là tiền từ tay Khanh lại trôi tuột vào những khoản chi tiêu không cố định. Anh bắt đầu hiểu rằng, gọi là tiền đi chợ, nhưng số tiền ấy bao hàm vô vàn nhiệm vụ ngoài phạm vi mấy món đơn giản trên mâm cơm hằng ngày. Chỉ riêng việc bổ sung vitamin cho cả gia đình từ hoa quả cũng đã ngốn kha khá ngân sách rồi. Sau một tuần làm người đàn ông “tay hòm chìa khóa”, Khanh bỏ tiền vào tay vợ, nắm cả tay cả tiền kia lại thật chặt, cười cười, “Thôi, đừng bắt anh làm nữa, anh không quen giữ tiền. Anh mà cầm tiền có khi nửa tháng đã hết sạch”.

Nói về những ông chồng quản lý mọi khoản chi tiêu trong gia đình, GS-TS tâm lý Vũ Gia Hiền thuộc Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TPHCM, cho rằng họ đã ứng xử sai lầm.

Theo ông, trong gia đình nên có sự phân công công việc phù hợp với tâm lý và khả năng của từng người, ví dụ những việc to như xây nhà, mua xe thì chồng lo; những việc nhỏ, chi tiêu hằng ngày như chợ búa, cơm nước, quần áo sách vở cho con… thì nên để vợ nắm, bởi vì đàn ông không thể chi li, tỉ mỉ như phụ nữ.

Người đàn ông nếu gánh tất cả những việc nhỏ thì đầu óc cũng dễ tủn mủn. Đàn ông chỉ nên quan tâm những việc to để đầu óc sáng suốt và phát triển ngoài xã hội.

Theo Nguyên Thanh (Giáo Dục & Thời Đại)

Nổi bật