Ảnh minh họa |
Ngành y tế đã phối hợp Viện Pasteur Nha Trang phun thuốc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh cho khoảng 140 gia đình ở xung quanh hai nhà của người mới mắc Zika.
Riêng tại nơi làm việc của nam nhân viên nhiễm Zika vừa nêu là một khu siêu thị, nhà hàng có quá nhiều người thường xuyên đến và đi nên theo bác sĩ Phùng là rất khó thực hiện giám sát, phòng ngừa, nhưng cơ quan y tế cũng có thông báo, hướng dẫn cho đơn vị chủ quản tại Nha Trang Center thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo bác sĩ Phùng, đến cuối tháng 10-2016 toàn tỉnh Khánh Hòa có 4.454 ca mắc, gần tương đương số ca sốt xuất huyết cùng kỳ “cao trào dịch” ở Khánh Hòa vào năm trước (4.461 ca). Có ba người bệnh đã tử vong vì sốt xuất huyết ở Nha Trang, Cam Ranh và Ninh Hòa.
Hai địa phương đang có số ca mắc cao nhất tỉnh là TP Nha Trang có 1.170 ca và TX Ninh Hòa có 1.166 ca. Riêng tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, theo bác sĩ Nguyễn Đông - giám đốc bệnh viện, từ hai tuần qua số người mắc đã giảm rất nhiều, hiện chỉ còn 25 ca sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện này.
TP.HCM: 11 quận có người nhiễm virút Zika
Cuối ngày 4-11, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết hiện TP đã có 11/24 quận, huyện ghi nhận người bệnh do virút Zika. Trong đó gồm Q.2, Q.4, Q.5, Q.9, Q.10, Q.12, Q. Bình Thạnh, H.Hóc Môn, H.Cần Giờ, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân. Hiện TP có tổng cộng 21 người nhiễm virút Zika.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng ghi nhận thêm 9 trường hợp được chẩn đoán nhiễm virút Zika. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng đang điều tra dịch tễ xem những người này có phải là người dân của TP.HCM hay không mới tiếp tục công bố số người mắc bệnh do virút Zika tại TP.HCM.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có người bệnh. Tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt, nên tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virút Zika.
Theo T.B.Dũng-P.S.Ngân-T.Dung (Tuổi Trẻ)