Kẽm quan trọng với trẻ nhỏ thế nào?

13/11/2015 09:39:06

Ở nước ta hiện nay, bên cạnh tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, iod... thì thiếu kẽm cũng đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Ở nước ta hiện nay, bên cạnh tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, iod... thì thiếu kẽm cũng đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Theo công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2015), tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm là 69,4%, ở các tỉnh miền núi là 80,8%. Kẽm có vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym của cơ thể, là chất xúc tác không thể thiếu trong tổng hợp DNA, RNA và phân chia tế bào. Thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra bình thường, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, gây ra suy dinh dưỡng thấp còi.
 

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm giúp phát triển hệ miễn dịch ở trẻ.


Bên cạnh đó, kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Đối với miễn dịch, kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.
 
Hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm cũng được nhận thấy ở cả súc vật thí nghiệm và trẻ em bị thiếu kẽm. Do đó, thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị SDD và tử vong ở trẻ. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%...

Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu thiếu kẽm thường thấy là ăn không ngon, chán ăn, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành.
 

Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ. Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.



Theo BS. Nguyễn Lâm (Sức Khỏe & Đời Sống)