Truyện về nhân vật huyền thoại Thánh Gióng lên 3 tuổi vẫn không biết nói biết cười tưởng chỉ trong trang sách. Ấy thế mà hiện nay, có quá nhiều trẻ cũng “mắc bệnh” tương tự…
TS. BS Lã Thị Bưởi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục cho biết: “Trẻ chậm nói thường là do hai nguyên nhân: nguyên nhân về thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy (não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…).
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ khi trẻ chưa cần “nói” ra nguyện vọng hoặc cũng có thể trẻ được giao phó hoàn toàn cho người giúp việc, tối về thì bố mẹ mải việc khác để trẻ chơi với tivi hoặc Ipad.
Qua số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương thì tỷ lệ trẻ chậm nói do nguyên nhân tâm lý chiếm tới 70%; chỉ 30% còn lại do nguyên nhân thực thể.
“Tivi, Ipad chỉ là phương tiện truyền thông, tác động một chiều, không phải là phương tiện giao tiếp. Đáng tiếc là nhiều bậc phụ huynh lại không hề hay biết luôn đặt trẻ vào môi trường không có sự tương tác. Theo đó, nhiều trẻ mới 6- 8 tháng tuổi đã được người lớn vừa cho trẻ xem tivi, Ipad vừa đút trẻ ăn hoặc mở lên rồi cho trẻ chơi với những thứ đó cả buổi. Trong khi đó, chính gia đoạn này trẻ rất cần sự tương tác để phát triển ngôn ngữ.” – TS Bưởi cho biết.
Cử nhân tâm lý Nguyễn Thị Lương (Phòng khám Ngọc Minh) phân tích thêm, đây là điều cực kỳ nguy hại. Bởi với thao tác vuốt với màn hình cảm ứng của Ipad hoặc điện thoại smart phone sẽ khiến trẻ được tiếp xúc với những hình ảnh và âm thanh sống động. Hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành thói quen khiến trẻ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều (nghe nhìn mà không có sự hồi đáp, tương tác). Điều này khiến những âm thành từ đời thực trở nên xa vời, trẻ không còn quan tâm lại càng không hứng thú bằng những âm thanh sống động trong tivi, trên ipad hoặc điện thoại.
Chị Minh cho biết, từng điều trị cho một bé trai 36 tháng tuổi mà vẫn chưa nói được. Bố mẹ giấu nhẹm chuyện con xem quá nhiều tivi. Thoạt nhìn bên ngoài bé là trẻ bình thường, gương mặt sáng sủa, giao tiếp ánh mắt có nhưng rất chậm hiểu, càng không có động tác cơ thể kèm theo.
“Khi trẻ hứng thì tua lại cả tràng ngôn ngữ khó hiểu với những cung bậc cảm xúc giống khác nhau. Mạch cảm xúc ấy liên hồi khiến chúng tôi cố gắng hỏi bé đang làm gì nhưng bé tuyệt nhiên không ngừng lại và tiếp tục nói. Phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới phát hiện ra bé đang “diễn” lại lời thoại trong một bộ phim hoạt hình của Nga” – chị Lương nói.
Tuyệt đối hạn chế trẻ dùng Ipad, xem tivi
Chị Lương cũng cho biết thêm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn với trẻ. Khi trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ khiến trẻ chậm mọi thứ, từ tư duy cho đến hành động.
Vì thế TS Bưởi khuyến cáo, khi thấy con có biểu hiện chậm nói, không bằng những trẻ cùng lứa tuổi khác, cha mẹ nên lưu ý, phát hiện sớm, đưa cháu đi khám tìm hiểu nguyên nhân. Thông thường 8-9 tháng tuổi trẻ đã bập bẹ nói, bố mẹ là người giúp bé học nói nhanh nhất.
“Thay vì quẳng cho con Ipad hay bật hoạt hình cho con nghe, cha mẹ nên giành thời gian để trò chuyện cùng con, việc trò chuyện thường xuyên là cách giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Thậm chí, các bậc phụ huynh cũng nên trò chuyện với con ngay từ trong bụng mẹ, để khi chào đời, trẻ cũng có thể nhận ra giọng của ba mẹ và phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn” – TS Bưởi nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo cần hạn chế tuyệt đối cho trẻ xem tivi, sử dụng Ipad và điện thoại cảm ứng quá sớm. Muốn trẻ học nói nhanh thì cần phải có sự tương tác hai chiều để trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn.
Theo Thế Giới Tiếp Thị