Hội chứng Cotard hay còn gọi là hội chứng xác chết biết đi được phát hiện và đặt theo tên nhà thần kinh học Pháp Jules Cotard. Năm 1880, Cotard công bố bài viết về bệnh nhân có biệt danh Quý cô X. Người phụ nữ khẳng định mình bị mất nhiều bộ phận cơ thể và nội tạng bao gồm não, ngực, dạ dày, ruột. Quý cô X tin mình bị "nguyền rủa muôn đời", từ chối ăn rồi sau đó chết đói. Cotard nhận định tình trạng này là một dạng hoang tưởng kết hợp với trầm cảm nặng, "cho thấy sự chậm phát triển của bộ máy tâm thần, sự hiện diện của triệu chứng lo âu cùng trầm cảm".
Ca mắc hội chứng xác chết biết đi gần đây nhất được ghi nhận là người đàn ông tên Graham. Bệnh tình của anh xuất hiện sau thời gian chống chọi với trầm cảm nặng, đã kéo dài ít nhất 9 năm. 8 tháng từ ngày cố tự tử bằng cách cho thiết bị điện vào bồn tắm, anh nói với các bác sĩ rằng bộ não của mình đã chết hay mất đi đâu đó.
Hội chứng Cotard rất hiếm gặp song chưa xác định được tỷ lệ mắc bệnh. Một nghiên cứu ở Hong Kong trên 349 bệnh nhân tâm thần cho thấy số người bị hội chứng xác chết biết đi khoảng 0,57 % dân số. Một công trình khác ở Mexico năm 2010 chỉ ra 0,62 % trong 1.321 bệnh nhân gặp vấn đề này. Nói chung, hội chứng xác chết biết đi thường xảy ra ở người rối loạn tâm thần hoặc gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
Graham mắc hội chứng xác chết biết đi trong 9 năm, thường xuyên đến nghĩa trang vì nghĩ nơi đó hợp với mình. |
Biểu hiện của hội chứng Cotard tương đối đa dạng. Nhà nghiên cứu Yamada Katsuragi cùng đồng nghiệp năm 1999 lý giải căn bệnh có ba giai đoạn: nảy mầm, phát tác và mạn tính.
Giai đoạn nảy mầm đặc trưng bởi chứng lo sợ sức khỏe quá mức (hypochondriasis) và trầm cảm nặng. Bệnh nhân có thể tìm đến bác sĩ với những phàn nàn mơ hồ, ví dụ như trường hợp nữ bệnh nhân 28 tuổi với tên gọi bà S. Các báo cáo y tế ghi chép bà đã tới bệnh viện, kêu rằng gan của mình "bị thối rữa" và trái tim bà "hoàn toàn không có". Trước đó, bà S bị mất ngủ, thường xuyên cảm thấy cô đơn do mất hứng thú đến môi trường xung quanh. Đây đều là những dấu hiệu điển hình của trầm cảm.
Giai đoạn phát tác là lúc bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như chối bỏ sự tồn tại của một số bộ phận nhất định. Sang giai đoạn mạn tính, những triệu chứng đó trầm trọng hơn, làm cản trở cuộc sống bình thường của người bệnh. Họ xao nhãng vệ sinh cá nhân, tự làm hại bản thân, mất khả năng nhận ra khuôn mặt mình và người khác.
Cụ thể, Graham tin mình không có não hay đầu, từ chối ăn uống, không thiết hút thuốc hoặc tương tác xã hội bởi anh thấy "chả nghĩa lý gì khi đã chết". Graham còn thường xuyên đến thăm nghĩa trang địa phương vì cảm thấy nó hợp với anh. "Tôi không muốn đối diện với ai khác", người đàn ông nói với tạp chí New Scientist. "Tôi chẳng thấy niềm vui trong bất cứ điều gì. Tôi từng vô cùng yêu thích chiếc xe của mình nhưng giờ không đến gần nó. Tất cả những gì tôi muốn là đi thật xa".
Graham trở thành bệnh nhân mắc hội chứng Cotard đầu tiên được quét não. Các bác sĩ phát hiện mức độ hoạt động ở vùng trán và thùy đỉnh vốn liên quan đến chức năng vận động, trí nhớ, thông tin cảm giác là rất thấp, tương tự người sống thực vật. "Tôi đã phân tích hình chụp não suốt 15 năm nhưng chưa thấy ai có hoạt động não thấp như thế này mà vẫn đi đứng, giao tiếp bình thường", nhà thần kinh học Steven Laurey tại Đại học Liege (Bỉ) cho biết. "Chức năng não của Graham giống người đang được gây mê hoặc ngủ".
Bên cạnh đó, vùng hạch hạnh nhân của não kém hoạt động khiến bệnh nhân hội chứng Cotard mất khả năng nhận mặt. Điều này "có thể dẫn đến sự thiếu liên kết giữa hình ảnh phản chiếu và cảm giác bản thể, kéo đến niềm tin mình không hề tồn tại".
Để điều trị hội chứng xác chết biết đi, y bác sĩ sử dụng sốc điện bên cạnh thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần để kiểm soát triệu chứng. Một báo cáo năm 2008 kết luận người bệnh phản ứng với liệu pháp sốc điện tốt hơn dược lý. Cho đến nay, hội chứng Cotard vẫn để lại nhiều câu hỏi trong khi giới khoa học tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân thực sự cùng cách thức chữa bệnh.
Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)