10 năm ròng rã ngược xuôi Nam Bắc, đôi vợ chồng trẻ gần như đã tuyệt vọng và cạn kiệt sức lực trong hành trình "tìm kiếm" đứa con nối dõi cho gia đình.
Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi tại Tứ Kỳ, Hải Dương, vợ chồng anh T, chị H hạnh phúc ngắm nhìn hai người con của mình chơi đùa. Tuổi chị kém anh đúng một con giáp, hai người ở cùng quê rồi vô tình gặp nhau qua lời giới thiệu của người bạn. Trong đám bạn ấy, cũng chẳng ai có thể ngờ, hai người lại yêu nhau nhanh đến vậy, giống như là định mệnh. Năm 17 tuổi, chị sinh cho anh một bé gái xinh xắn, đáng yêu.
Chị H (32 tuổi) nhớ lại: “Khi đó, chúng tôi yêu nhau mãnh liệt lắm, quấn lấy nhau không rời. Chồng tôi là đích tôn của dòng họ nên khi biết tôi có thai, anh ấy rất vui mừng, hào hứng. Nhưng tôi chỉ mới 17 tuổi - cái tuổi còn quá trẻ để lấy chồng và làm mẹ. Cuối cùng, sau nhiều đắn đo suy nghĩ chúng tôi vẫn quyết định sinh đứa bé và phải làm đám cưới chui. Khi đó, kinh tế rất khó khăn, vợ chồng tôi chủ yếu đi buôn thời vụ để sống qua ngày. Vì thế chúng tôi quyết định “kế hoạch”, đợi khi nào kinh tế khá giả hơn sẽ tính đến chuyện sinh bé thứ hai. Hơn nữa, thời gian đó tôi vẫn còn trẻ và khỏe mạnh, chẳng bao giờ chúng tôi nghĩ đến vấn đề vô sinh”.
Vô sinh thứ phát - nỗi ám ảnh của rất nhiều cặp vợ chồng |
Anh T chia sẻ: Vì anh là con trai độc tôn nên sau khi sinh bé đầu, gia đình liên tục thúc giục vợ chồng anh sinh thêm con. Sau này, khi kinh tế đã không còn là vấn đề lớn lao nữa, vợ chồng anh quyết định “thả” để sinh thêm bé. Nhưng rồi, tháng này qua tháng khác, vợ anh đều không có bất kì sự “thay đổi” nào.
"Một năm sau, tôi đưa vợ lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, bác sĩ kết luận vợ tôi thuộc dạng vô sinh thứ phát, bị xoắn buồng trứng, tử cung lạnh nên rất khó để thụ tinh. Nhận kết quả xong, vợ tôi khóc ngất ở bệnh viện. Sau đó, vợ tôi được mổ thông buồng trứng hai lần nhưng đều không có kết quả khả quan”. anh T. ngậm ngùi.
Sau hai lần mổ không thành công, vợ chồng chị H lần tìm các địa chỉ chữa vô sinh, ai mách đâu vợ chồng chị cũng đến, khắp dải đất hình chữ S này dường như nơi nào cũng có dấu chân của anh chị.
Anh T kể: “Có lần vợ chồng tôi còn vào tận Tây Ninh để tìm thầy thuốc. Lang thang trong đó suốt ba tuần lễ liền để chữa cho vợ, mà cuối cùng vẫn chẳng có kết quả gì. Chúng tôi đi khắp nơi, đi nhiều đến nỗi hiện giờ tôi cũng không nhớ rõ mình đã gặp bao nhiêu thầy, đã đặt chân đến bao nhiêu tỉnh thành. Bên cạnh việc thuốc thang, các hình thức tâm linh, cúng bái gì vợ chồng tôi cũng đều thử qua hết. Suốt 3-4 năm trời ròng rã như vậy, tổng số tiền bỏ ra cũng 400-500 triệu, chúng tôi thực sự đã rất mệt mỏi và nản lòng”.
Chị H. tâm sự, khi đó, chị mới ngoài 20 tuổi, mấy năm trời không có thai, mọi người thi nhau đồn đại chị được ăn sung mặc sướng, không phải làm gì nên lăng nhăng với người nọ, người kia, bởi vậy mới không sinh được nữa. "Bản thân người trong cuộc đã chịu đựng nỗi khổ tâm, nhưng những người thân, người quen, bạn bè, đôi khi, vì vô tình hoặc cố ý lại làm cho “vết thương” của những người như chúng tôi thêm đau đớn”, chị H. xúc động.
"Con là tài sản vô giá"
Sau một thời gian dài chạy chữa, thuốc thang không khỏi, anh chị quyết định quay trở lại bệnh viện để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Lại tiếp tục mấy năm ròng rã, anh cần mẫn chở chị đi khắp các nơi, đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ để làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bất thành. Chẳng biết bao nhiêu lần chuyển phôi, chọc trứng lại bị ối dịch rồi thất bại.
Chị H. hạnh phúc bên con trai sau gần 10 năm ròng chữa vô sinh |
Một tháng sau, do một thai trong bụng chị yếu lưu, bác sĩ đã quyết định phải bỏ một thai để cứu cái thai còn lại. Rút kinh nghiệm lần sẩy thai đầu tiên, lần này chị không dám đi lại nhiều, chủ yếu chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Con đường từ nhà đến viện khám sức khỏe định kỳ có lẽ là con đường quen thuộc và sợ hãi nhất vì sau nhiều năm chạy chữa không thành, sức khỏe của chị đã yếu đi nhiều. Chồng và người thân trong gia đình đều dành hết thời gian để chăm sóc chị từng chút một. Ngày chị sinh, mọi thứ như “ngàn cân treo sợi tóc”, đến khi bé trai cất tiếng khóc trào đời, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Chị H xúc động: “Khi con chào đời, mọi nỗi đau đớn của tôi đều tan biến hết. Những mệt mỏi, vất vả của gần chục năm ròng rã chạy chữa, những tủi hờn của mọi lời đàm tiếu, dèm pha, mọi lời nguyền rủa, ghét bỏ… tất cả trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, với tôi, đã nhẹ nhàng trôi qua như một cơn gió, chẳng còn chút vướng bận gì. Cho đến khi sinh bé thành công, tổng chi phí cũng hết đến một tỷ. Có thể chúng tôi trắng tay về kinh tế, nhưng bù lại, tài sản vô giá nhất mà chúng tôi có được chính là hai đứa con".
Mặc dù y học hiện đại đã chữa trị thành công cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng đã có không ít cặp vợ chồng vì không chịu nổi áp lực và sự mệt mỏi nên đã từ bỏ nỗ lực để có con hoặc phải ly hôn. Câu chuyện về hành trình chữa bệnh vô sinh của anh T và chị H cho thấy, khi có niềm tin và sự bền bỉ, thì sự thành công và niềm hạnh phúc nhất định sẽ đến.