Được coi là "thần dược" phòng bệnh liên quan tới mắt, mũi, họng cho trẻ em nhưng việc dùng nước muối sinh lý có những nguyên tắc nhất định mà không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ.
Dưới đây, chúng tôi trình bày hướng dẫn chi tiết để các mẹ tham khảo, theo chỉ dẫn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai và bác sĩ Hoàng Cương – BV Mắt Trung ương.
Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) có 3 loại:
- Loại để nhỏ mắt, có thể nhỏ mũi
- Loại để súc miệng, rửa vết thương
- Loại để tiêm truyền
1. Đối với việc nhỏ mũi, nhỏ mắt
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nước muối sinh lý có tác dụng sát khuẩn, vệ sinh mắt, mũi, họng, tuy nhiên, các cha mẹ không được tự ý phòng bệnh cho trẻ bằng nhỏ nước muối hoặc dùng xịt muối nước biển sâu nhỏ vào mũi trẻ thường xuyên, vì có thể ảnh hưởng niêm mạc mũi của trẻ.
Khi trẻ có dấu hiệu chảy nước mũi, ho, hắt hơi, các mẹ có thể nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý 0,9% cho trẻ, sau đó yêu cầu trẻ xì mũi thật mạnh để làm sạch.
Trẻ dưới 1 tuổi chưa thể tự xì, các mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút đờm trong mũi hoặc làm bấc sâu kèn lấy nước mũi.
Lưu ý, khi trời lạnh, nếu muốn nhỏ mũi cho trẻ, cha mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước ấm trước khi nhỏ cho trẻ.
Sử dụng nước muối sinh lý không đúng cách sẽ làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ. (Ảnh minh họa). |
Điều đặc biệt lưu ý mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo là không phải cứ gọi là nước muối sinh lý là có thể dùng tùy tiện mà phải dùng loại nước muối sinh lý có chỉ định cho mũi (thường đóng lọ 10ml).
Ngoài ra, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng nước muối sinh lý dạng chai to để rửa mũi cho trẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết trong quá trình thăm khám ông thường gặp một số gia đình mua những lọ nước muối sinh lý chai 0,5 lít hoặc 1 lít về sau đó dùng xilanh bơm trực tiếp vào mũi trẻ để vệ sinh mũi trẻ.
"Điều này dù có tác dụng rửa mũi thật nhưng nếu dùng liên tiếp, lạm dụng nhiều lần, thực hiện không đúng kỹ thuật thì không những không có tác dụng diệt khuẩn mà sẽ làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ".
Các bậc phụ huynh chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý khi trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm, đổ dử vàng, đau mắt. (Ảnh minh họa) |
Tương tự, khi dùng nước muối sinh lý cho mắt, nhiều bậc phụ cũng quan niệm rằng sản phẩm có thể dùng thoải mái do... lành tính.
Song theo bác sỹ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, nếu mắt trẻ bình thường, cha mẹ thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ có thể khiến cho mắt bị khô, viêm giác mạc, ảnh hưởng tới chức năng của mắt khi trẻ lớn lên.
Do vậy, các bậc phụ huynh chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý khi trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm, đổ dử vàng, đau mắt.
Đặc biệt, không phải cứ gọi là nước muối sinh lý là có thể dùng tùy tiện mà phải dùng loại nước muối sinh lý dành cho mắt (loại có biểu tượng con mắt ngoài vỏ hộp hoặc ghi rõ là nước muối sinh lý nhỏ mắt), thường đóng lọ 10ml, tuyệt đối không tự pha nước muối bằng nước và muối để nhỏ mắt.
"Việc dùng nước muối sinh lý chỉ có tác dụng làm sạch mắt chứ không có tác dụng điều trị bệnh, do vậy khi trẻ có dấu hiệu đau mắt cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chuyên gia hướng dẫn cách điều trị, tránh việc coi sản phẩm này là thần dược chữa bệnh, dẫn đến hệ quả làm chậm quá trình điều trị bệnh cho trẻ, gậy hệ lụy lớn", bác sỹ Hoàng Cương nói.
Cũng theo bác sỹ Hoàng Cương, trong dùng nước muối sinh lý các bậc phụ huynh cần lưu ý đến việc vệ sinh lọ thuốc, tránh làm nhiễm bẩn đầu chai thuốc. Không được dùng nước muối sinh lý quá nửa tháng sau khi mở nắp.
2. Cách dùng nước muối sinh lý loại chai 500ml
Riêng đối với dung dịch nước muối sinh lý chai to (thường là 500ml), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay loại này gồm có dạng: Để tiêm truyền, và để súc miệng hay làm sạch vết thương.
Loại nước muối này tuyệt đối không được nhỏ mắt, không lạm dụng rửa mũi, tuyệt đối không được tiêm. |
Với loại dùng để tiêm truyền, yêu cầu về độ tinh khiết và vô khuẩn rất cao, chỉ dùng khi có chỉ định của nhân viên y tế, người dân tuyệt đối không tự ý tiêm truyền vì trong quá trình ấy sẽ có nhiều nguy cơ với sức khỏe.
Sở dĩ như vậy là do trước khi truyền nước muối sinh lý bệnh nhân cần phải khám tổng quát sức khỏe. Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân.
"Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, như bệnh nhân thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não, thừa natri mà truyền muối quá nhiều sẽ khiến bệnh nhân bị teo não...", PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
Khi dùng nước muối sinh lý chai to để súc họng, bác sỹ nội trú Nguyễn Danh Đức, chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, khuyến cáo người dân chỉ nên ngậm nước muối khoảng 5 phút.
Khi súc họng, ngửa cổ ra sau, khi nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra. Trong quá trình súc họng, nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3- 4 lần với nước muối mới. Đối với người bị viêm họng, 3 giờ súc họng một lần. Nên súc họng trước và sau khi ngủ.
Theo Bình Minh (Trí Thức Trẻ)