Hàng loạt thai phụ hoang mang “đòi” xét nghiệm vi rút Zika

30/11/2016 11:10:00

Trước thực trạng vi rút Zika phát hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố, hàng loạt phụ nữ mang thai đã yêu cầu các bệnh viện xét nghiệm tầm soát. Ngành y tế khuyến cáo Zika không dễ lây nhiễm hoặc gây ra tật đầu nhỏ, thai phụ không nên lo lắng.

Trước thực trạng vi rút Zika phát hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố, hàng loạt phụ nữ mang thai đã yêu cầu các bệnh viện xét nghiệm tầm soát. Ngành y tế khuyến cáo Zika không dễ lây nhiễm hoặc gây ra tật đầu nhỏ, thai phụ không nên lo lắng.

Báo cáo tại buổi làm việc với ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố (chiều 29/11) BS Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng Hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Hiện bệnh viện đang theo dõi, quản lý 9 trường hợp mang thai nhiễm Zika, trong đó có 1 thai phụ sảy thai tự nhiên, 1 thai phụ xin bỏ thai, 1 trường hợp bệnh nhi sau khi chào đời từ mẹ mắc Zika, bị chậm tăng trưởng.

Vi rút Zika không dễ lây nhiễm, các thai phụ không nên hoang mang lo lắng (ảnh minh họa)
Vi rút Zika không dễ lây nhiễm, các thai phụ không nên hoang mang lo lắng (ảnh minh họa)

Trong đó, trường hợp xin bỏ thai một phần là do thai phụ nhiễm Zika và người mẹ cũng muốn kết thúc thai kỳ vì mang bầu ngoài ý muốn. Riêng trường hợp thai phụ vừa sinh cháu bé có dấu hiệu chậm phát triển, ngành y tế đang tiếp tục theo dõi để có hướng chăm sóc phù hợp. Dù chưa có kết luận cụ thể, song tình trạng chậm tăng trưởng ở bệnh nhi bước đầu được xác định xảy ra trước thời điểm người mẹ bị nhiễm Zika.

Ngoài việc quản lý, chăm sóc thai phụ mắc bệnh thì các bệnh viện phụ sản đang phải đối mặt với áp lực từ “làn sóng” thai phụ đến khám và yêu cầu thực hiện xét nghiệm tầm soát vi rút Zika. BS Hải cho hay, thời gian qua có rất nhiều phụ nữ đến khám thai muốn tầm soát Zika, họ sẵn sàng bỏ tiền thực hiện xét nghiệm. Một số thai phụ có dấu hiệu sốt, nổi hồng ban có tâm lý rất lo lắng, bệnh viện đã rất vất vả để tư vấn, tuyên truyền. Nhu cầu xét nghiệm của thai phụ rất lớn song Từ Dũ mới chỉ lấy 6 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, kết quả kiểm tra phát hiện 1 ca nhiễm Zika.

Tương tự Bệnh viện từ Dũ, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho hay, qua khám sàng lọc rất nhiều người bệnh yêu cầu xét nghiệm tầm soát, bệnh viện đã lấy 17 mẫu bệnh phẩm từ thai phụ gửi đi kiểm tra. May mắn trong số các xét nghiệm trên không có ca nào nhiễm Zika. Tại Nhi Đồng 1, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho hay: Hiện bệnh viện chưa tiếp nhận bệnh nhi nào bị nhiễm Zika.

Để chủ động sàng lọc bệnh, Nhi Đồng 1 sẽ triển khai khu cách ly khoa nhiễm khi có bệnh nhân mắc vi rút Zika. Riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ, nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm vi rút Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại khoa Sơ sinh.

Nhiều thai phụ chưa hiểu đúng

Chia sẻ về tâm lý hoang mang lo lắng của các thai phụ, BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, nhiều thai phụ chưa hiểu đúng về bệnh vì nghĩ vi rút Zika ăn lên não thai nhi gây tật đầu nhỏ. Trên thực tế, sự nguy hiểm của Zika khi tác động lên thai kỳ không nghiêm trọng bằng bệnh Rubella.

Nguy cơ vi rút Zika lây từ mẹ sang con không cao, vì vậy người mẹ mắc Zika nhưng thai nhi có thể không nhiễm. Mặt khác, thai nhi mắc Zika chưa chắc đã mắc tật đầu nhỏ. Do đó, chị em phụ nữ đang mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ không nên lo lắng về căn bệnh này.

Một chia sẻ chuyên môn khác từ TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho thấy, muỗi lây truyền vi rút Zika là muỗi Aedes, khi muỗi này chích người nhiễm Zika thì vi rút cần khoảng 10 ngày tồn tại trong cơ thể muỗi để sinh sôi, phát triển, sau đó muỗi chích sang người lành thì mới tạo ra nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh rất khó lây nhiễm nên nguy cơ người khỏe mạnh bị vi rút tấn công không cao.

Bên cạnh, việc yêu cầu các cơ sở dự phòng, điều trị nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân Dân thành phố cho biết, Zika là dịch bệnh mới nổi, trước mắt thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm đến khi Zika được xem như bệnh truyền nhiễm thông thường.

Theo Vân Sơn (Dân Trí)

Nổi bật