Hải sâm tốt cho sức khỏe như thế nào

25/09/2015 13:27:04

Hải sâm là vị thuốc Đông y có khả năng chống lại xơ vữa động mạch, bổ thận tráng dương, suy nhược cơ thể, điều trị viêm phế quản, liệt dương, di tinh...

Hải sâm là vị thuốc Đông y có khả năng chống lại xơ vữa động mạch, bổ thận tráng dương, suy nhược cơ thể, điều trị viêm phế quản, liệt dương, di tinh...

Theo Đông y, hải sâm có vị mặn, tính ấm tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc... Hải sâm thường được dùng trong các trường hợp tâm khí hư, thận khí suy, khí huyết kém, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, di tinh, liệt dương, tiểu tiện khó, tiểu buốt, táo bón…
 

Hải sâm phơi khô để tán bột. Ảnh: Đắc Đức.

Theo lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội đông y quận Đống Đa, Hà Nội, hải sâm có công dụng khá phong phú:

- Bổ ích cường tráng, đặc biệt tốt đối với các trường hợp tinh huyết hư tổn.

- Bổ thận điền tinh, thích hợp với các trường hợp di tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần về đêm.

- Tư âm nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị táo bón, tiêu khát (tiểu đường).

- Bổ huyết, thường dùng cho các trường hợp thiếu máu.

- Tránh xơ vữa động mạch, thường dùng cho những người huyết áp cao, các bệnh lý về tim mạch.

- Điều trị viêm phế quản, chữa lỵ nhiệt, thông đại tiện…

Có hai cách chế biến hải sâm là sấy khô tán bột và ngâm rượu. Mỗi ngày, nên sử dụng 6-10 g bột hải sâm chiêu với nước ấm chia làm 3 lần. Tùy vào thể trạng của từng người mà liệu trình điều trị khác nhau. Ngoài ra cần chú ý những người đờm nhiều, đại tiện lỏng là không dùng được hải sậm.

Về mặt dinh dưỡng, hải sâm là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm, ít chất béo. Thành phần chất đạm gồm nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể như glycine, arginine, leucine, alanine, glutamine, tauri. Hải sâm còn chứa nhiều chất khoáng vi lượng có ích như kẽm, sắt, đồng, iod, crôm... hơn các loài thủy hải sản khác. Do vậy người ta thường kết hợp hải sâm với các thực phẩm khác để chế biến món ăn để bồi bổ sức khỏe:

Bồi bổ cơ thể: Hầm hải sâm với thuốc bắc như đương quy, thục địa, kỷ tử, ngưu tất, ăn trong ngày.

Suy nhược thần kinh: Dùng hải sâm 30 g ninh với gạo nếp 100 g thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Xơ vữa động mạch: Dùng hải sâm 50 g hầm nhừ, chế thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.

Táo bón: Hải sâm 30 g, đại tràng lợn 120 g làm sạch, mộc nhĩ đen 15 g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.

Liệt dương: Hải sâm 20 g hầm với thịt dê 100 g, ăn trong ngày.

Hải sâm có giá trị cao trong trị bệnh, vì vậy còn được gọi là “nhân sâm của biển cả”. Về mặt thực phẩm, thịt hải sâm là một trong 8 món ăn cao lương mỹ vị nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá... Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc mua bán hải sâm. Nếu ăn phải hải sâm chết, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ngộ độc… rất có hại cho sức khỏe.
 
Theo Thu Hiền (VnExpress.net)

Nổi bật