"Điều đó không hề tốt cho trẻ, thậm chí còn gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khoẻ của trẻ. Nhẹ cũng có thể bị viêm da, còn nặng là nhiễm trùng da hay viêm phổi."
Ví dụ mới đây, một facebook có tên NTN đã chia sẻ dòng trạng thái của mình: Ai có con nhỏ vào đọc nha. Con mình đang sốt li bì… uống thuốc lau mát mà vẫn không hạ sốt... sốt cao 39 độ luôn... hôm qua đến giờ. Bà ngoại cún đi chợ mua cho con lươn sống về để trên lưng cún... mà kỳ diệu thật... cún hết sốt... lươn chết luôn. Mẹ nào có con bị sốt cao thì cứ áp dụng nha... hiệu quả 100% .
|
Một người chia sẻ trên Facebook cách hạ sốt cho trẻ bằng... lươn. Ảnh chụp từ màn hình FB. |
Còn một bạn khác chia sẻ cách hạ sốt bằng chanh tươi: Chanh tươi cắt lát và đắp vào: 2 lòng bàn chân, 2 cổ tay (chỗ mà hay bắt mạch ý) và 2 bên thái dương. Cố định bằng băng keo y tế. Sau khi bé hạ sốt thì bóc ra cho bé đỡ khó chịu. Thời gian đắp chanh khoảng 20-30 phút.
Hạ sốt bằng chanh tươi và muối cũng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ màn hình FB. |
Ngoài ra, còn nhiều bậc phụ huynh khác cũng chia sẻ việc hạ sốt cho con mình bằng cách dùng lát chanh với muối xát lên trán, các khuỷu tay, chân và dọc sống lưng… hay khi con sốt thì cho con đi tắm nước ấm để nhiệt trong cơ thể của con được thoát bớt ra bên ngoài.
Những kinh nghiệm ấy đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các mẹ. Trong đó nhiều người không tin nhưng không ít người đã khen ngợi và nói sẽ ghi thêm vào cẩm nang sức khỏe của gia đình!
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Các phụ huynh quá dại dột khi tin vào những biện pháp mà không có cơ sở hay chưa được khoa học chứng minh. Điều đó không hề tốt cho trẻ, thậm chí còn gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khoẻ của trẻ. Nhẹ cũng có thể bị viêm da, còn nặng là nhiễm trùng da hay viêm phổi.”
Theo đó, PGS.TS đã chỉ rõ những nguy hiểm có thể gặp phải khi hạ sốt cho trẻ bằng các cách trên.
1. Hạ sốt bằng con lươn có thể gây nhiễm trùng da
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc đặt lươn lên người trẻ để hạ sốt là hoàn toàn không đúng. Các bác sĩ không hề khuyến cáo, mà đó chỉ là họ ngộ nhận của nhiều bậc cha mẹ.
Bởi vì trẻ bị sốt cao khi để tự nhiên nó cũng có thể tự giảm nhiệt độ nếu như lúc đó bệnh đã thuyên giảm rồi. Hơn nữa, bình thường cơ thể mỗi người cũng có thể điều chỉnh, và lúc đó họ làm trùng lặp nên cứ tưởng con lươn có tác dụng hạ sốt. Thế nhưng, nếu các bạn làm nhiều thì sẽ thấy không có tác dụng.
Còn hiện tượng con lươn bị chết, đó cũng chỉ là ngẫu nhiên chứ không có cơ sở khoa học và cũng không một ai dại gì mà thí nghiệm như vậy. Thậm chí, nếu không cẩn trọng thì những con lươn ấy còn là mầm bệnh cho trẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên các mẹ đừng dại dột tin theo các biện pháp hạ sốt truyền miệng không có căn cứ. |
Ví như, lươn được mua về mà rửa không kỹ, không sạch thì chất nhầy của lươn sẽ bám trên da của trẻ hoặc mang theo những vi trùng gây bệnh nhẹ thì viêm nhiễm, còn nặng có thể bị nhiễm trùng da. Đối với trẻ nhạy cảm sẽ bị dị ứng da ngay lập tức.
2. Lát chanh với muối dễ gây xây xước, tổn thương da
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Tất cả các biện pháp vật lý không có tác dụng gì trong việc hạ sốt. Hiện nay, y khoa thế giới cũng không sử dụng điều đó, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt. Đó là bệnh nhân dị ứng với các loại thuốc hạ sốt thì mới sử dụng liệu pháp khác.
Còn với chanh tươi và muối thì tôi chưa tìm thấy một nghiên cứu nào chứng minh có tác dụng hạ sốt. Bởi vì hạ sốt có 4 cơ chế như: thoát nhiệt bằng bốc hơi, bằng đối lưu, qua đường thởi hay truyền nhiệt trực tiếp, mà chanh thì không thể làm thoát nhiệt được.
Hơn thế, chanh tươi có axit cộng với muối mà xát vào làn da mỏng, mềm mại của trẻ rất dễ gây tổn thương cho da, gây viêm nhiễm.
3. Tắm nước ấm cho trẻ khi sốt có thể dẫn đến viêm phổi
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ đang bị sốt cao chưa rõ nguyên nhân thì các bậc phụ huynh không nên hạ nhiệt độ cho trẻ bằng cách tắm nước ấm, bởi điều đó không những không hạ được thân nhiệt mà trẻ còn có nguy cơ bị lạnh, dẫn đến viêm phổi. Thay vào đó, chúng ta nên mặc quần áo mỏng và cho trẻ nằm ở phòng thoáng mát.
Ngoài ra, ông Dũng cũng khuyến cáo với các bậc phụ huynh rằng, chúng ta không nên chủ quan hay nhắm mắt làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng. Cách tốt nhất khi có trẻ bị sốt là hỏi tư vấn của các bác sỹ hay những người có chuyên môn để sử dụng thuốc một cách hợp lý và hiệu quả.
Theo Ân Thi (Trí Thức Trẻ)