Chỉ trong thời gian ngắn Hà Nội đã có 5 ca tử vong do SXH có, tuần ghi nhận tới 2.305 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Hà Nội trong vòng một tuần ghi nhận 2.305 trường hợp mắc SXH
Theo thông tin Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đó bệnh nhân nam giới 61 tuổi, ở đường Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông,
Đây là ca tử vong thứ 5 tại Hà Nội tính từ đầu năm do sốt xuất huyết. Trước đó có 3 trường hợp là người lớn mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh cảnh khác (nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao, rung nhĩ) và một trường hợp 8 tuổi dương tính với sốt xuất huyết kèm bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn.
Trong tuần từ 24-30/7, toàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 2.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các địa bàn có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (400), Đống Đa (380), Hai Bà Trưng (224), Thanh Xuân (178), Cầu Giấy (142), Ba Đình (113), Thanh Trì (106), Hà Đông (97), Nam Từ Liêm (90), Thường Tín (69).
Hiện nay tại các bệnh viện như: Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thanh Nhàn… tình trạng người sốt xuất huyết ngày càng gia tăng theo từng ngày. Tuy nhiên, tại các bệnh viện rất nóng vì lượng bệnh nhân SXH thật sự quá đông.
Theo BS Nguyễn Thị Lan Hương Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, bình quân mỗi ngày bệnh viện khám sàng lọc cho hơn 300 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Có rất nhiều trường hợp cả nhà bị SXH, hai bố con… Vì vậy để phòng tránh SXH người dân cần vệ sinh môi trường sống.
BS. Nguyễn Thị Lan Hương Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: MT |
Nhiều bệnh nhân nhi mắc SXH
TS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trẻ em mắc bệnh SXH sẽ nguy hiểm do cơ địa trẻ có hệ miễn dịch kém. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi khởi sốt. Chẩn đoán sớm không dựa vào các xét nghiệm, mà chủ yếu dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân. Các mẹ cần lưu ý hai yếu tố
Trẻ mắc bệnh sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau. Tuy nhiên, sang ngày thứ 2, 3 trở đi dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì có kinh nguyệt thường bị rong kinh cảm giác khó chịu, đau bụng nhợn ói… Tốt nhất, nếu nghi mắc SXH, nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm, dù là người lớn hay trẻ nhỏ.
Một bệnh nhi mắc SXH ở BV Thanh Nhàn. Ảnh: MT |
Cách chăm sóc bệnh nhân SXH nhanh khỏi bệnh
Khi bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt. Nên dùng thuốc paracetamol, theo chỉ định của thầy thuốc. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Ngoài ra, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho người bệnh nhân.
Do tình trạng sốt và nôn nhiều thường dẫn đến thiếu nước và chất điện giải. Cần khuyến khích người bệnh uống nhiều nước có chất điện giải như oresol theo sự chỉ dẫn, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối
Cần cho bệnh nhân ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ kể cả đối với trẻ em
Với phụ nữ mang thai, trẻ dưới 1 tuổi, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, các bệnh về phổi, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận. Những trường hợp người bệnh không uống được, hoặc nôn quá nhiều trong nhiều giờ liền, cũng cần nhập viện để được sự hỗ trợ của y tế.
Theo Minh Tuyết (Trí Thức Trẻ)