Hà Nội: Bị bác sĩ "hoãn mổ", bệnh nhân mừng vì gặp may

26/07/2016 15:09:00

Phẫu thuật cắt bàng quang là một phẫu thuật lớn, xâm lấn và có nhiều rủi ro cho bệnh nhân. Trường hợp này, bệnh nhân đã may mắn được "hoãn mổ" và bình phục nhờ gặp thầy gặp thuốc.

 
Phẫu thuật cắt bàng quang là một phẫu thuật lớn, xâm lấn và có nhiều rủi ro cho bệnh nhân. Trường hợp này, bệnh nhân đã may mắn được "hoãn mổ" và bình phục nhờ gặp thầy gặp thuốc.

Có lẽ suốt cuộc đời, bệnh nhân Phạm Việt Thanh 20 tuổi ở Thanh Hóa (tên nhân vật đã được thay đổi) phải cảm ơn quyết định "hoãn mổ" kịp thời của bác sĩ đã đem đến những thay đổi quan trọng trong cuộc đời anh.

Bệnh nhân này có tiền sử bệnh khá phức tạp, cứ nửa tháng lại sốt cao 1 lần không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, bệnh nhân gặp những triệu chứng tiểu không kiểm soát như rỉ tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp nhưng anh hoàn toàn không biết mà cứ nghĩ đi tiểu như vậy là bình thường.

Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Khi đến khám và điều trị tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội, anh được chỉ định mổ để cắt bàng quang tạo hình bàng quang mới.

Trường hợp này đã mặc quần áo mổ, lên bàn mổ để chuẩn bị tiến hành ca phẫu thuật, rất may, có 1 bác sĩ tại đây khi biết đã kiên quyết bắt bệnh nhân cởi quần áo mổ, không cho mổ nữa và giới thiệu sang Trung tâm Phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai.

Khi sang đến đây, bệnh nhân yếu đến mức không tự xách được túi quần áo của chính mình. Làm xét nghiệm thì thấy bệnh nhân đã có suy thận độ 2, giãn đài bể thận 2 bên.

Bị bác sĩ hoãn mổ, bệnh nhân mừng vì gặp may - Ảnh 1.
Bàng quang thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận (Ảnh minh họa: Internet)

TS.BS Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm, người trực tiếp điều trị đã cho thăm dò niệu động học, đánh giá toàn bộ chức năng gan thận, siêu âm hình ảnh thì thấy rằng đây là 1 ca bàng quang thần kinh có biến chứng giãn đài bể thận 2 bên, kèm theo suy thận trên 1 bệnh nhân có tổn thương tủy sống cũ không gây liệt 2 chân. Vì không liệt 2 chân nên rất khó để chẩn đoán được bệnh.

Sau khi chẩn đoán được rõ ràng, bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị sử dụng thuốc kháng muscarin, đặt thông tiểu ngắt quãng.

Sau đợt điều trị hết nhiễm trùng, làm thăm dò chẩn đoán và hướng dẫn cho bệnh nhân uống thuốc, bác sĩ làm đánh giá trong vòng 6 tháng thì thấy các chỉ số về bàng quang đều rất an toàn: sức chứa bàng quang, độ giãn nở bàng quang, tình trạng rỉ tiểu, tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu đều được kiểm soát tốt, tình trạng suy thận cũng được kiểm soát.

Cho đến nay đã được 5 năm, bệnh nhân đã có 1 sức khỏe ổn định để làm việc, thậm chí đã sinh thêm con. Mỗi năm bệnh nhân này đều quay lại viện tái khám 1 lần.

Lưu ý đặc biệt của bác sĩ: Trong điều trị bàng quang thần kinh, sự tuân thủ phác đồ điều trị là cực kỳ quan trọng

Chia sẻ về sự cố hy hữu của mình, bệnh nhân Thanh có nói: "May quá, không nhờ quyết định hoãn mổ của bác sĩ tý nữa thì em bị cắt mất bàng quang!". 

Trường hợp này theo TS. BS. Đỗ Đào Vũ, PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai, phẫu thuật tạo hình bàng quang nên áp dụng khi các biện pháp điều trị khác ít xâm lấn hơn không hiệu quả.

Trong thực tế, phẫu thuật cắt bàng quang là một phẫu thuật rất lớn, xâm lấn và có nhiều rủi ro cho bệnh nhân. Đối với bàng quang thần kinh ngày càng ít áp dụng phẫu thuật vì có nhiều phương pháp ít xâm lấn, ít can thiệp hơn cho bệnh nhân mà vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị.

Tuy nhiên, khi đã không phẫu thuật thì bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ đó.

Như trường hợp bệnh nhân Thanh nói trên, theo BS Vũ, một trong những yếu tố góp phần thành công là sự đóng góp rất lớn của bệnh nhân. Bệnh nhân không có trình độ cao nhưng rất tin tưởng bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ. Ngay cả sau 5 năm, tình trạng bệnh đã ổn định, bệnh nhân vẫn không quên tái khám định kỳ.

Theo TS.BS Đỗ Đào Vũ, một ca bệnh được điều trị thành công luôn đảm bảo được thế 3 chân: bác sĩ chăm sóc tốt, bệnh nhân hợp tác, người nhà bệnh nhân tuân thủ đúng hướng dẫn trong chăm sóc.

Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố trên đều làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị, đặc biệt là với những bệnh cần được điều trị lâu dài như bàng quang thần kinh.

Điều đáng tiếc là ở Việt Nam, ý thức của người dân còn thấp. Nhiều bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn chỉ định điều trị của bác sĩ, tự ý bỏ điều trị và đi khám ở rất nhiều nơi nhưng không thu lại kết quả.

Có những bệnh nhân sau khi điều trị đã tốt rồi thì không tuân thủ dặn dò của bác sĩ trong việc chăm sóc lâu dài. 

Điều này có thể không ảnh hưởng ngay nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho bệnh nhân, khiến cho bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu đem lại những hậu quả rất nặng nề.

Bởi vậy BS Vũ khuyến cáo bệnh nhân làm đúng những hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ kể cả khi bệnh đã được cải thiện và ổn định.

Bàng quang thần kinh là hiện tượng bàng quang bị mất chức năng lưu trữ hoặc tống xuất nước tiểu do tổn thương của một phần hệ thần kinh.

Bàng quang thần kinh là hậu quả của những bệnh lý thần kinh như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, bệnh lý parkinson, bệnh lý về tủy sống, bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân bị HIV, herpes sinh dục tiết niệu... làm cho người bệnh tiểu không kiểm soát.

Nếu không được chăm sóc, hậu quả có thể dẫn đến trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận, nguy cơ tử vong cao.

Triệu chứng của bàng quang thần kinh:

- Tiểu nhiều, tiểu dầm về đêm

- Có tình trạng tiểu gấp

- Hay són ra quần

- Đi tiểu nhiều lần, mỗi lần 1 ít

- Thỉnh thoảng có một đợt sốt nhẹ, thậm chí sốt cao.

 

Khám và điều trị ở đâu?

Trong trường hợp phát hiện các triệu chứng của bàng quang thần kinh, bệnh nhân nên đi khám tại các chuyên khoa tiết niệu hoặc khoa phục hồi chức năng.

Ở Hà Nội có Đơn vị niệu động học và phục hồi chức năng tiết niệu – sinh dục thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai là nơi thường xuyên tiếp nhận, điều trị, chăm sóc các trường hợp mắc bệnh này.

Theo Thái Phong (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật