Chị T.N, một đối tác của tôi chia sẻ, chị đang rất đau đầu vì chuyện ông chồng “siêng họp lớp”.
Q.D, một người đàn ông bản lĩnh, trí thức từng đoạt cùng lúc học bổng danh dự của Hoa Kỳ và Ấn Độ, vì mặc cảm ngoại hình quá xấu xí nên đã không dám ngỏ lời với người con gái mình yêu. Đến khi anh về nước thì mới biết cô ấy đã lấy chồng cách đó chưa lâu. Q.D nói rằng bây giờ anh chỉ muốn làm bạn với cô ấy, một người bạn bình thường để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Thế nhưng cô bạn ấy không đồng ý, bởi vì cô không tin vào sự tồn tại của một tình bạn giữa đàn ông và đàn bà, hơn thế đó còn là người đàn ông từng dành cả một quãng đời rất dài để yêu mình thì tình bạn ấy càng khó tồn tại hơn. Q.D cảm thấy suy sụp và trách người phụ nữ kia rất nhiều, vì cho rằng cô ấy cứng nhắc và bảo thủ.
V.T.H, một người đàn ông khác lại có cách ứng xử với tình bạn khác giới một cách “hồn nhiên” và “ngây thơ” khi vô tư để cho một người bạn gái mà anh ta không hề có chút tình cảm nào tặng quà cho mẹ anh và tạo cơ hội cho cô ta tiếp cận mẹ anh, ngay trước ngày người vợ sắp cưới của anh đến nhà chồng ra mắt. Phải chi anh còn trẻ tuổi thì người vợ cũng chẳng nghĩ nhiều, đằng này khi đến với nhau cả hai đều đã ở tuổi rất chín chắn.
Điều đó khiến người vợ bị tổn thương sâu sắc mà mãi đến khi lấy nhau rồi cô vẫn mang một nỗi đau. Nếu biết trước mọi điều, có lẽ cô đã dừng lại từ khi biết anh tạo điều kiện cho một phụ nữ khác đến với mẹ anh. Người vợ đã đặt dấu hỏi với người đàn ông không thể phân biệt được đâu là một tình bạn thuần túy và kiểu tình bạn nhân danh. Với sự “ngây thơ” ấy, liệu anh ta có nhận ra những cạm bẫy, cám dỗ của cuộc đời; nhất là cạm bẫy của đàn bà?!
Mẹ tôi cũng có nhóm bạn thân thiết từ thời trẻ, mỗi năm họ họp mặt 1-2 lần. Giờ ai cũng đã có cháu nội cháu ngoại nhưng vẫn vui tươi trẻ trung và náo nức mong chờ mỗi năm gặp nhau đôi lần. Có lần tôi đã đi cùng mẹ. Các cô dì, chú bác thường họp mặt tại một nhà hàng nào đó hoặc tại nhà một ai đó trong nhóm, cùng ăn uống, ca hát, trò chuyện.
Họ giúp đỡ nhau trong những khó khăn đời thường, họ giới thiệu một bài thuốc hay chữa đau lưng cho chồng/vợ của bạn, quyên góp và đi thăm một người bạn không may gặp khó khăn hay gia biến, giúp đỡ tìm việc làm cho con của một người bạn cùng nhóm… chứ tuyệt nhiên không có chuyện hẹn hò riêng tư, vịn vai bá cổ hay có những lời nói, hành vi làm ảnh hưởng đến gia đình bạn. Thế nên, mỗi khi mẹ nói sắp đến kỳ họp lớp là ba tôi luôn vui vẻ ủng hộ và hết sức “tạo điều kiện”.
Qua từng ấy câu chuyện, có thể nói, tình bạn khác giới muốn trường tồn qua năm tháng và vượt lên khỏi những thị phi, thì trước hết cần minh bạch, rõ ràng. Với một người bạn đàng hoàng, đúng mực, biết giữ lễ nghi và ranh giới… của nửa kia, có lẽ không người vợ/người chồng nào vô lý cản trở hay phản đối.
Byron có một câu nói rất tiếng: “Tình bạn thường có thể phát triển thành tình yêu, nhưng tình yêu khó có thể trở thành tình bạn”. Thiết nghĩ, tình bạn đồng giới hay khác giới đều đáng trân trọng. Cuộc sống nếu thiếu đi những người bạn sẽ mất đi niềm vui, cũng như một văn hào Mỹ đã ví von: “Cuộc sống không có tình bạn giống như khu vườn chỉ toàn cây lá mà chẳng có hoa”. Và, tình bạn khác giới cũng là những bông hoa làm đẹp cho cuộc sống mỗi người. Thế nhưng, vấn đề là chúng ta cần biết đâu là những bông hoa thơm lành chứ không phải là loài hoa có độc, có thể làm hại cho chính chúng ta và những người thân yêu.
Theo Hải Như (Phunuonline.com.vn)