Không chỉ có người béo phì, thừa cân, lười vận động mà ngay cả những người gầy như que củi vẫn có thể mắc căn bệnh của người giàu.
Gần đây, anh đi khám sức khỏe định kỳ thì được bác sĩ thông báo lượng đạm trong máu dư thừa, cần cẩn trọng bệnh gút (Gout).
Bác sĩ cũng dặn anh Nam nên tránh ăn các đồ hải sản, thịt trâu, bò, ngựa, thịt dê cũng như không nên ăn phủ tạng động vật như lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc…
Người gầy vẫn có thể mắc bệnh gout nếu bị rối loạn chuyển hóa acid uric |
Điều này khiến Nam khá lo lắng, bởi anh cho rằng mình “gầy như que củi”, với chiều cao 1m75 trong khi chỉ nặng 50 kg và cũng ít khi la cà nhậu nhẹt.
Theo bác sĩ CKI Lão khoa Cao Thanh Ngọc - Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nếu anh Nam chỉ xét nghiệm thấy lượng acid uric trong máu cao mà không có triệu chứng sưng đau khớp, không có lắng đọng tôphi ngoài da hoặc sỏi thận thì không kết luận là bệnh gout.
BS Ngọc cho hay, bệnh gút là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu.
Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây ra bệnh gút có thể chia làm hai loại gút nguyên phát (đa số các trường hợp) và gút thứ phát.
Chưa rõ nguyên nhân gây ra loại gút nguyên phát, 40% có tính gia đình. Chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm… được xem là làm nặng thêm bệnh.
Bệnh thường gặp 95% ở nam giới, trong độ tuổi từ 30 – 60 và phụ nữ sau mãn kinh.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và đề kháng insulin, uống nhiều rượu.
Gout thường gây ra cơn đau ở các khớp |
Gút thứ phát là hậu quả của tình trạng tăng acid uric máu do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai.
Cụ thể suy thận nói riêng và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận nói chung; một số bệnh về máu như bệnh bạch cầu cấp, hoặc sử dụng thuốc như thuốc lợi tiểu nhóm Furosemid, Thiazid, Acetazolamid hoặc thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính, thuốc chống lao (éthambutol, pyrazinamid)…
Biểu hiện bệnh gút:
Diễn tiến chung của bệnh trải qua các giai đoạn
- Tăng acid uric máu đơn thuần: là trường hợp anh Nam đang mắc phải
- Cơn viêm khớp gút cấp: thường biểu hiện bởi những đợt sưng đau khớp đột ngột
- Khoảng cách giữa các cơn viêm khớp gút cấp.
- Viêm khớp gút mãn: đau nhiều khớp mãn tính, có thể kèm hạt tophi ở nhiều vị trí
- Sỏi thận: có thể xuất hiện trước hoặc sau cơn viêm khớp gút cấp đầu tiên. Đôi khi dấu hiện đầu tiên là cơn đau quặn thận. Suy thận có thể là nguyên nhân và hậu quả của gút.
Cách phòng tránh
- Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua….
- Không uống rượu
- Cần giảm cân
- Tập luyện thể dục thường xuyên
- Uống nhiều nước, khoảng 2 - 4 lít mỗi ngày, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.
- Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như stress, chấn thương…
2. Điều trị cụ thể
- Điều trị liên tục lâu dài nhằm mục đích điều trị cơn gút cấp bằng thuốc kháng viêm giảm đau, dự phòng cơn gút tái phát bằng cách kiểm soát acid uric máu và điều trị các bệnh kèm theo.
Có rất nhiều thuốc để lựa chọn và mỗi bệnh nhân lại phù hợp với một thuốc khác nhau, do đó, bệnh nhân không nên tự điều trị hoặc dùng thuốc theo toa của người khác dù là mắc cùng chung 1 bệnh gút.
- Chế độ ăn uống sinh hoạt áp dụng như trong biện pháp phòng ngừa bệnh.
Vì sao người gầy vẫn bị gout? |
BS Cao Thanh Ngọc cho hay, gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa liên quan đến tăng sản xuất acid uric (sản phẩm chuyển hóa của purin, mà purin có nhiều trong đạm) hoặc giảm đào thải acid uric trong cơ thể. Người gầy nếu mắc rối loạn chuyển hóa của acid uric thì vẫn bị mắc bệnh gút. |
Theo Văn Đức (VietNamNet)