Trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y 103, cho hay đuối nước là tai nạn dễ cấp cứu, nhưng nếu không kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc tổn thương hệ thần kinh.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Ranh giới cứu sống nạn nhân
“Đuối nước là tai nạn cần cấp cứu tại chỗ hơn là trong bệnh viện. Nếu làm đúng, nhanh và kịp thời ngay tại chỗ xảy ra tai nạn, khả năng sống sót là 100%. Nhưng nếu cố tình chuyển ngay nạn nhân tới bệnh viện chuyên khoa, sẽ gây hệ quả đáng tiếc”, bác sĩ Xuân Phúc cho hay.
Theo đó, mục tiêu của sơ cứu tại chỗ là đẩy nước thật nhanh ra khỏi phổi, khôi phục lại đường thở, tái khởi động tuần hoàn.
Bác sĩ Cao Xuân Phúc cho hay kỹ thuật cấp cứu rất đơn giản, ai cũng có thể tiến hành. Trước hết, chúng ta cần nhanh chóng vớt nạn nhân lên bờ, không cần cởi bỏ quần áo, tiến hành cấp cứu tức khắc.
Nếu nạn nhân có cân nặng thấp, thường là trẻ em, bạn có thể vác lên vai theo tư thế đầu và nửa thân trên ở sau lưng, bụng gập trên vai, mông và hai chân ở trước ngực. Đầu của nạn nhân lúc này sẽ chúc xuống dưới. Một tay người sơ cứu giữ hai chân nạn nhân thẳng, tay còn lại giữ lưng bệnh nhân ở yên trên vai của mình.
Sau đó, bạn nên chạy tại chỗ hoặc chạy vòng loanh quanh trong tư thế cao chân (càng cao càng tốt) để xóc thật mạnh cơ thể nạn nhân. Khi đó, nước dưới ảnh hưởng của sức hút trái đất cộng với lực xóc sẽ chảy ra khỏi phổi, thoát ra ngoài theo đường mũi và miệng.
Trong trường hợp nạn nhân quá nặng, chúng ta có thể thực hiện tư thế ôm sau lưng: Dựng nạn nhân dậy, bụng và ngực của bạn áp vào mông và lưng của nạn nhân, vòng hai tay qua eo của nạn nhân, dùng sức giật thật mạnh và ép chặt hai tay vào bụng. Bạn phải ép sao cho nửa thân trên của nạn nhân ngả ra phía trước, đầu gục ra trước. Trong khi làm, bạn phải luôn đứng thẳng, giật mạnh hết sức để tạo lực đẩy, đẩy nước ra khỏi phổi.
Bác sĩ Cao Xuân Phúc lưu ý chỉ thực hiện kỹ năng trên đến khi nạn nhân ho sặc sụa hoặc tự thở được, sau đó đưa họ tới các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trong trường hợp đã cấp cứu 5 phút, nạn nhân vẫn chưa thể tự thở, bạn cần khẩn trương đặt nạn nhân xuống, nằm ngửa, đầu nghiêng, móc thật nhanh đờm dãi khỏi miệng, rồi tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái).
“Khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, chúng ta cần nhớ nguyên tắc 3 nhịp ép tim thì có một nhịp hô hấp. Làm liên tục cho đến khi nạn nhân có thể tự thở. Trong thời gian ép tim, bạn cần hô hoán để kêu gọi giúp đỡ. Trên đường chuyên chở, chúng ta cần tiếp tục hô hấp nhân tạo cho nạn nhân cho tới khi bàn giao cho bệnh viện. Kể cả trong khi vận chuyển, tình hình xấu đi, bạn vẫn không được ngừng hô hấp nhân tạo”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Theo Hà Quyên (Zing.vn)