Dùng miếng dán thải độc, cẩn thận phải cắt chân vì hoại tử

19/12/2016 16:07:00

Dù chưa biết công dụng thế nào nhưng nhiều người nghe theo lời quảng cáo sẵn sàng “móc hầu bao” để mua miếng dán thải độc cơ thể.

 

Dù chưa biết công dụng thế nào nhưng nhiều người nghe theo lời quảng cáo sẵn sàng “móc hầu bao” để mua miếng dán thải độc cơ thể.

Đặc biệt, qua lời quảng cáo, những miếng dán này sau khi sử dụng (thời gian khoảng 6-8 tiếng, qua đêm) những chất độc trong cơ thể được đào thải ra, bằng chứng là những miếng dán bị độc tố bám đen toàn bộ khiến người tiêu dùng càng tin tưởng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên các diễn đàn và trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều loạimiếng dán thải độc với hình dạng cũng như thành phần nguyên liệu khác nhau. Ví dụ như có những loại miếng dán thải độc có nguồn gốc từ Nhật Bản với giá 500.000 đồng, với những nguyên liệu quý hiếm như: Chitosan; Tourmaline; Dextrin; Glycolic Acid…

dung mieng dan thai doc, can than phai cat chan vi hoai tu - 1

Những miếng dán thải độc cơ thể như thế này đang được nhiều người tin dùng.

Tại Việt Nam cũng xuất hiện những miếng dán thải độc với giá rẻ hơn, được làm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: hành tây, tỏi ta, nước cất… Nhìn chung, dù là miếng dán “xách tay” hay nội địa thì mục đích cuối cùng theo lời quảng cáo vẫn là thải các loại độc tố ra ngoài, tăng cường chuyển hóa trong cơ thể, phòng chống mụn nhọt, ban nóng, làm tươi nhuận làn da…

Trao đổi với phóng viên, Ths.Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) khẳng định, chưa cần biết đó là nguyên liệu gì, nhưng thải độc cơ thể bằng cách dán vào gan bàn chân là không có cơ sở khoa học.

“Theo tôi, hiện có hai cơ chế chính thải độc cơ thể đó là thải độc từ bên trong ra và thải độc từ bên ngoài. Thải độc từ bên trong có thể dùng thuốc, các hoạt chất để tống độc tố ra ngoài qua đường máu, qua phân, qua nước tiểu…

Ví dụ đơn giản nhất là việc người nào đó bị ngộ độc thực phẩm, nếu muốn cơ thể không bị độc tố thì phải dùng thuốc hoặc thậm chí là rửa ruột để nhanh chóng tống thức ăn độc hại ra bên ngoài cơ thể.

Còn giải độc bên ngoài cơ thể thì được ông cha ta áp dụng từ rất lâu. Ví dụ đơn giản nhất đó là khi bị ốm do cảm cúm thì dùng nước lá xông, từ đó giúp nở lỗ chân lông và độc tố thải ra ngoài qua mồ hôi. Còn việc thải độc qua gan bàn chân, bằng miếng dán bịt kín thì tuyệt nhiên chưa thấy bao giờ”, lương y Trung phân tích.

Còn về các loại nguyên liệu có trong miến dán thải độc, Ths Trung nhận định: “Hành tây hay tỏi chỉ có tác dụng sát khuẩn là chính chứ không có tác dụng thải độc”. Việc sau khi dán vào gan bàn chân xuất hiện màu đen trên miếng dán, Ths Trung cho rằng, khi miếng dán để ở ngoài môi trường lâu như vậy nó chuyển sang màu đen cũng là điều dễ hiểu.

dung mieng dan thai doc, can than phai cat chan vi hoai tu - 2

Theo lương y Trung, dùng miếng dán thải độc rất dễ nhiễm khuẩn, dẫn đến hoại tử thậm chí là phải cắt chân.

“Tôi khuyến cáo người dân không nên dùng loại miếng dán này, vì hành tây và tỏi có tính nóng, nếu dán ở gan bàn chân đối với những người mẫn cảm hoặc trẻ nhỏ sẽ gây bong tróc da. Nếu cố tình dùng thì sẽ gây viêm loét dẫn đến hoại tử và thậm chí còn phải cắt chân”, lương y Trung khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, những loại miếng dán này không có tác dụng thải độc cơ thể. “Trước tôi đã trực tiếp làm thử nghiệm, dù có dán vào cơ thể hay không thì miếng dán này vẫn thôi ra màu đen”, PGS Điền cho biết.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xác nhận cho đến nay Cục chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm miếng dán giải độc nào. Vì vậy, người dân không nên cả tin vào những lời quảng cáo về miếng dán thải độc dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.
 

Theo L.Phương (Khampha.vn)