Sau khi tiếp nhận thông tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho hay hiện tượng này rất dễ hiểu.
Càng lớn, dòi càng ăn khỏe, kết hợp với sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm làm cho phần thối lan rộng.
Ông Thịnh cho biết thanh mai có khe giữa thịt quả, tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng đẻ trứng và sinh sôi thành dòi.
Muốn loại bỏ những ấu trùng có trong quả, bạn chỉ cần ngâm trong nước sạch hoặc nước muối, chúng sẽ tự chui ra.
Bản thân các ấu trùng không có độc, thậm chí còn chứa nhiều dinh dưỡng. Nếu chẳng may nuốt phải, chúng sẽ không gây hại cho cơ thể.
Về nghi vấn có hóa chất bảo quản khiến dòi xuất hiện, ông Thịnh khẳng định: “Trường hợp này không thể xảy ra! Nếu sử dụng chất bảo quản, chúng không thể sinh sôi nảy nở trong quả”.
Lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cũng cho biết, dòi xuất hiện theo cơ chế rất tự nhiên, không phải tác động của hóa chất bảo quản.
Chuyên gia này khuyến cáo, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, hoa quả nếu không bảo quản tốt sẽ rất nhanh hỏng.
Vì vậy người dân nên lựa chọn cẩn thận, đặc biệt là một số quả nhiều đường, dễ có dòi ở bên trong. Ngoài ra, khi mua hoa quả chín, chị em nên ngâm trong nước để loại bớt vi khuẩn và ấu trùng.
Về nguồn gốc quả thanh mai đang được bán nhiều trên thị trường, PGS Thịnh cho hay khó có thể khẳng định được trồng ở đâu. Thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đều có mùa vụ như nhau, thường chín vào khoảng tháng 4-6 hàng năm.
Theo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, Lào Cai (Cục BVTV - Bộ NN-PTNT), cho biết loại quả này này cũng có nguồn gốc tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhưng với số lượng, diện tích không nhiều.
Tính đến thời điểm hiện nay, lượng thanh mai nhập trái phép qua cửa khẩu Lào Cai chỉ có một lô khoảng trên 10 tấn.
Ông Tuân khẳng định quả thanh mai nhập khẩu vào Việt Nam sẽ vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật như bất kỳ loại trái cây nào khác.
Theo Hà Quyên (Zing.vn)