Dịch sởi có nguy cơ bùng phát

06/02/2015 09:15:43

Đẩy mạnh tuyên truyền, xóa tâm lý e ngại của phụ huynh về tiêm vaccine sởi sẽ xảy ra phản ứng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xóa tâm lý e ngại của phụ huynh về tiêm vaccine sởi sẽ xảy ra phản ứng.

Nguy cơ từ 10% trẻ chưa tiêm vaccine sởi

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết năm 2015 có thể có những đợt bùng phát tạo thành các ổ dịch sởi lớn. Giám sát của các tỉnh, TP trong tháng 1-2015 đã ghi nhận hơn 130 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 28 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.

“Mặc dù số ca sốt phát ban nghi sởi năm 2015 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng không được chủ quan. Bởi lẽ tháng 1-2014, số ca sốt phát ban nghi sởi thấp nhưng đến tháng 5-2014 đã ghi nhận 10.390 trường hợp sốt phát ban. Do vậy không loại trừ khả năng trên sẽ lập lại trong năm 2015” - ông Phu lưu ý.

Cũng theo ông Phu, tại Việt Nam năm 2014 ghi nhận chính thức có trên 5.600 trường hợp dương tính với sởi tại 63 tỉnh, TP. Nguyên nhân là hằng năm vẫn còn khoảng 10% trẻ chưa được tiêm phòng vaccine sởi và độ 5% trẻ đã tiêm vaccine sởi nhưng không đáp ứng miễn dịch.

Cũng theo ông Phu, các trường hợp trẻ mắc sởi đều dưới 24 tháng tuổi, trong đó có 13 trẻ dưới chín tháng tuổi. “Nguyên nhân do cha mẹ không đưa trẻ tiêm ngừa vaccine sởi do không biết lịch tiêm chủng, thiếu quan tâm sức khỏe con hoặc tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng (hiện vaccine sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại hệ thống trạm y tế phường, xã và hoàn toàn miễn phí - PV).

Một nguyên nhân khác là do cha mẹ chờ tiêm vaccine sởi dịch vụ cho con. Điều đáng nói vaccine dịch vụ MR (sởi và rubella), MMR (sởi, rubella và quai bị) tiêm vào lúc trẻ 12 tháng tuổi, trong khi trẻ có thể mắc sởi từ lúc mới chín tháng tuổi” - ông Phu phân tích.

Người mẹ trẻ này lo lắng vì con mắc bệnh sởi phải nằm bệnh viện. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cần xem lại quy trình tiêm chủng

Để khắc phục tình trạng tỉ lệ tiêm ngừa vaccine sởi cho trẻ ở một số địa phương còn thấp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo cần xem lại quy trình tổ chức tiêm chủng thường xuyên. “Các trạm y tế phường, xã tổ chức tiêm chủng thường xuyên mỗi tháng ba ngày. Không loại trừ tới ngày tiêm chủng thì trẻ bị sốt nên chờ tháng sau. Qua tháng sau trẻ tiếp tục bị sốt ngay trong ngày tiêm chủng nên phải đợi tháng tiếp theo. Càng kéo dài thời gian chờ đợi thì khả năng trẻ mắc sởi rất cao. Do vậy các địa phương cần nghiên cứu tăng số ngày tiêm chủng vaccine sởi trong tháng, nhất là các địa phương đã xuất hiện bệnh sởi, tỉ lệ tiêm ngừa thấp, địa bàn đi lại khó khăn” - bà Tiến yêu cầu.

Ngoài ra, ngành y tế các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để xóa tan tâm lý e ngại tiêm ngừa vaccine sởi sẽ xảy ra phản ứng trong suy nghĩ không ít phụ huynh. “Vaccine sởi do Việt Nam sản xuất rất tốt, có thể xuất khẩu nên các bậc phụ huynh hãy tin tưởng. Đưa con đi tiêm ngừa sởi và các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình thương của cha mẹ” - bà Tiến gửi thông điệp đến những người làm cha, làm mẹ.

Năm 2014 cũng đã từng xảy ra việc tiêm vaccine nhầm nước cất. Tuy không gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ nhưng đây là “điều đau đớn” không đáng có trong ngành y tế. Điều đáng lo hơn là cha mẹ lo sợ, không đưa con chích ngừa vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà cho con tiêm vaccine ở dịch vụ.

“Nói gì thì nói, nhân viên y tế trực tiếp tiêm chủng vaccine phải hết sức cẩn thận và phải được tập huấn kỹ càng” - bà Tiến nhấn mạnh.

TP.HCM: Đảm bảo 95% trẻ tiêm vaccine sởi-rubella

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ngày 5-2 cho biết TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm sởi-rubella cho trẻ từ một đến 14 tuổi, chia thành ba đợt. Kết thúc đợt một (từ tháng 10 đến 11-2014), TP.HCM đã tiêm chủng gần 320.000 học sinh khối THCS, đạt tỉ lệ gần 88%. Kết thúc đợt hai (từ tháng 12-2014 đến 1-2015), TP.HCM tiêm chủng cho 79% học sinh khối tiểu học. Hiện TP.HCM triển khai tiêm chủng đợt ba (từ tháng 2 đến 3-2015) cho trẻ khối mầm non và khối nhà trẻ. Song song đó, TP.HCM tiếp tục tiêm đợt hai cho học sinh khối tiểu học và tiêm vét học sinh khối THCS để đảm bảo mục tiêu 95% trẻ từ một đến 14 tuổi được tiêm ngừa vaccine sởi-rubella.

Thế giới: Bệnh sởi đang quay trở lại

Năm 2014 có tới 178/194 quốc gia xuất hiện bệnh sởi. Đặc biệt tại Mỹ, dù đã loại trừ bệnh sởi từ năm 2000 nhưng từ đầu năm 2015 đến ngày 3-2 ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sởi tại 14 bang. Trong đó có đến 82% người Mỹ mắc sởi do chưa tiêm phòng hoặc chưa đến tuổi tiêm phòng vaccine sởi. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đang đau đầu do có nhiều người dân Mỹ không chịu cho con em đi tiêm vaccine vì cho rằng vaccine này liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ.

Năm 2014 đã từng xảy ra tình trạng hết vaccine tại các điểm tiêm dịch vụ khiến phụ huynh bức xúc. Do vậy cơ quan quản lý y tế từng địa phương cần yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ phải đặt hàng trước và tổ chức cung ứng đầy đủ vaccine theo nhu cầu. Nếu cơ sở y tế nào không thể thực hiện các điều kiện trên thì không cho đăng ký tiêm dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Theo Trần Ngọc (Phunuonline.com.vn)

Nổi bật