Tôi vừa mới kết hôn hơn một tháng, vậy mà trong đầu luôn manh nha ý định li hôn, chỉ vì chồng tôi luôn tỏ ý nghi ngờ vệt máu trên ga giường trong đêm tân hôn là giả. Lý do thì như một câu chuyện cười nhưng lại cười ra nước mắt.
Tôi cũng đã từng chứng kiến có chị về làm dâu bên cạnh nhà tôi rất ít những ngày vui, chỉ vì những lúc say chồng chị lại lôi quá khứ của chị ra chì chiết, rằng chị là người đàn bà hư hỏng không biết giữ mình, rằng anh ta bị lừa nên dùng lại đồ thừa của người khác. Những câu chửi rủa đó đã ám ảnh trong tâm trí tôi biến thành một nỗi sợ hãi thường trực. Vậy nên dù đã trải qua vài ba mối tình, nhưng tôi chưa bao giờ dám vượt qua giới hạn. Những người đàn ông tôi từng yêu cũng có đòi hỏi và viện đủ lý do để tôi đồng ý, nào là “em không tin tưởng anh”, nào là “trước sau gì chúng mình cũng thuộc vì nhau”…Nhưng nỗi sợ của tôi lúc nào cũng lớn hơn sự ham muốn. Những người yêu tôi lần lượt đến rồi đi vì tôi “yêu mà không tin tưởng”.
Bạn bè tôi đã con bồng con bế, tôi vẫn chưa lấy chồng. Chúng nó bảo tôi thời đại bây giờ không giống thời mẹ mình ngày xưa. Nhiều người có bầu rồi mới chịu cưới, xã hội giờ như thế cả, mình nghiêm túc quá thành ra khác người. Chúng nó bảo tôi nên nghĩ thoáng ra một chút, nếu gặp người tốt thì nên tìm cách níu giữ, mình ngoan nhưng gái thiên hạ nó hư, mình không biết giữ thì người ta “chài” mất. Đôi lúc tôi cũng băn khoăn tự hỏi, liệu có phải mình cổ hủ quá không?
Hai mươi tám tuổi tôi mới lên xe hoa, thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng mình vẫn là “con gái” cho đến khi về nhà chồng. Ngày còn yêu nhau, chồng tôi không phải không đòi hỏi nhưng đòi không được thì chặc lưỡi bảo: “Nếu mình lấy nhau, còn năm tháng về lâu về dài, em không thích thì thôi anh không ép”. Tôi rất coi trọng anh ở điểm này. Chúng tôi tìm hiểu và yêu nhau vừa tròn năm tháng thì cưới, vì cả hai cảm thấy khá phù hợp về tính cách, vả lại cả tôi và anh cũng đã nhiều tuổi.
Đêm tân hôn, trái ngược với niềm hạnh phúc vì lần đầu trở thành đàn bà của tôi là thái độ kinh ngạc của anh khi thấy vệt máu đỏ trên tấm ga giường: “Em vẫn còn trinh tiết á, thật hay giả đấy”. Một câu nói không khác gì gáo nước lạnh dội xuống đầu tôi. Anh bảo, thời đại giờ nứt mắt ra đã yêu, yêu là quan hệ tình dục. Mấy nhà nghỉ thi thoảng cũng thấy thập thò mấy cô cậu còn mang đồng phục học sinh. Vậy mà tôi đã hai tám tuổi rồi, yêu mấy người rồi mà vẫn còn “nguyện vẹn” là chuyện khó tin. Anh còn bảo “anh cũng thoáng lắm, cũng chưa phải chưa “nếm mùi đàn bà” nên không khắt khe mấy chuyện đó. Chẳng có ai vô lý đến độ khi yêu thì “đòi” bằng được mà lại yêu cầu vợ mình vẫn còn “con gái” bao giờ, vậy nên có lẽ em lo xa rồi”.
Quả thực là chồng tôi đã trong một phút ném tôi xuống vực sâu, thảm cảnh mà dù giàu trí tưởng tượng đến đâu tôi cũng không hình dung ra nổi. Suốt tuổi thanh xuân tôi đã cố gắng giữ gìn để mong sau này lấy chồng được hạnh phúc, được chồng tôn trọng. Vậy mà cuối cùng tôi lại bị chồng nghi ngờ là lừa dối, là “tạo bằng chứng giả”. Tôi uất đến độ không còn muốn giải thích điều gì, chỉ biết nói một câu: “Con người em thế nào thì em rõ nhất, anh đừng đưa quá khứ chơi bời của mình ra mà quy kết rằng con gái ai cũng dễ dãi giống như nhau”.
Những ngày đầu hôn nhân, cuộc sống vợ chồng diễn ra bình thường. Nhưng thỉnh thoảng trong các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè, trước mặt tôi anh lại hỏi: “Mấy ông nói xem, thời đại giờ có cô nào gần ba mươi rồi, trải qua vài mối tình rồi mà vẫn còn “zin” không?”. Xong rồi mấy ông xôn xao bàn tán rằng nếu có thì hoặc là xấu “ma chê quỷ hờn” không ai thèm ngó, hoặc là đồng tính nữ thôi. Một câu chuyện như vô thưởng vô phạt nhưng chẳng khác nào anh cố khẳng định cho tôi thấy là tôi không trung thực. Cái cảm giác chồng không tin tưởng mình lại còn lấy nó ra bàn tán giễu cợt khiến tôi mất dần tình cảm với chồng tôi.
Gần đây nhất chúng tôi cãi nhau cũng vì chuyện đó. Tôi bảo chồng tôi nên tôn trọng tôi, và xem lại cách nói, cách suy nghĩ của mình. Chồng tôi cũng không kém phần gay gắt:
- Em làm gì mà phải lớn tiếng thế. Thật cũng được mà giả cũng được, anh có quan trọng gì chuyện đó đâu mà em cứ phải cằn nhằn để ý.
- Vì anh không quan trọng chuyện đó nên em càng không có lý do để nói dối. Điều em nói ở đây là anh không tin tưởng em.
- Tin thì sao mà không tin thì sao. Em làm cách nào để chứng mình “nó” là thật?
Đến nước này thì tôi không còn gì để nói nữa rồi. Người ta khổ vì “đã để mất”, còn tôi thì khổ vì “còn giữ được”, có phải là vô lý và nực cười quá không?
Theo Ngân Hà (Dân Trí)