Sáng ngày đầu tuần vô tình đã phải đọc một bức thư viết tay của một người con gửi cho người được coi là đã cướp bố mình ra khỏi tổ ấm.
Người chia sẻ bức thư đó lên trang cá nhân của mình đưa ra một lời bình tôi cho là xác đáng, đại thể chị nghi ngờ bức thư đầy ngôn ngữ chua cay nghiệt ngã ấy không thể do một đứa trẻ chưa sõi chữ viết ra, nó phải có người lớn đọc cho bé ghi. Người lớn đó, đáng nghi ngờ nhất chính là mẹ của cháu bé, là vợ của người chồng đã phản bội chị.
Mọi diễn tiến của đời sống xung quanh đều có tác động ít nhiều đến tâm sinh lý của trẻ. Nhất là ở lứa tuổi trẻ bắt đầu cảm nhận được những xáo động diễn ra. Thế nên, cũng không phải là lo quá xa khi nói rằng những gì mà người lớn đọc cho trẻ (nếu có) để ghi ra những trang giấy không có những hiệu ứng tiêu cực.
Tò mò, tôi lần vào facbeook của người mẹ ấy. Dày đặc trên dòng thời gian là những bằng chứng tố cáo mối quan hệ của hai người, về sự gian xảo và lọc lừa nhuốm màu tiền bạc của người con gái trẻ và rất xinh kia (Trẻ và xinh thường là đặc điểm nhận dạng phổ biến của những cô bồ).
Cay đắng hơn, xuất phát từ mối tình ngoài hôn nhân ấy mà người đàn ông đứng giữa hai cuộc tình đã phải vào tù.
Mọi diễn tiến của đời sống xung quanh đều có tác động ít nhiều đến tâm sinh lý của trẻ. Nhất là ở lứa tuổi trẻ bắt đầu cảm nhận được những xáo động diễn ra. (ảnh minh họa) |
Gõ một từ khóa trên mạng về đánh ghen, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi phần lớn những cuộc đánh ghen tàn bạo lại thường xuất phát từ phụ nữ. Chẳng thế mà có ý kiến cho rằng: Ghen tuông không phân biệt địa vị và tình độ văn hóa. Nó chỉ có sự phân biệt về tình cách của mỗi người mà thôi.
Đàn ông khi ghen thường có những hành động bạo lực đến tiêu cực và ghê rợn hơn. Tôi đã từng gặp những người đàn ông như thế trong những chuyến công tác đến các trại giam. Một nhát dao cứa đi mạng sống người tình của vợ hay một cú đánh bằng vật cứng đủ để cướp đi mạng sống của người đó.
Có một thực tế rất khó chấp nhận ở góc độ bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà nhưng được đa số đàn ông đồng thuận. Đàn bà có thể bỏ qua cho đàn ông một vài ba cuộc ngoại tình bị phát giác kèm theo một lời hứa không tái phạm. Đàn ông thì không được trang bị dũng khí ấy. Tôi cam đoan rằng cứ đem hỏi 10 người đàn ông rằng có thể bỏ qua cho người vợ mình ngoại tình hay không thì phải có đến 8-9 người không chấp nhận việc ấy. Người còn lại thì khả năng cao tình cảm vợ chồng đã không còn là mối bận tâm hoặc sự tồn tại của vợ chồng chỉ còn là khái niệm ghép đôi một cách miễn cưỡng.
Lòng tự trọng, cái tôi cá nhân không cho phép người đàn ông vượt qua được mặc cảm về sự phản bội của vợ. Đàn ông cũng không phải là những người ưa thích việc làm nhục tình địch của mình trước đám đông hay dư luận xã hội. Họ thích giải quyết cơn phẫn nộ của mình bằng hành động của những người đàn ông với nhau.
Đàn bà thì dễ rơi vào cuồng ghen. Họ luôn phải tập hợp sức mạnh bằng sự tham gia của những người đàn bà khác. Những người bạn, người thân luôn căm hận ngoại tình. Bởi họ cũng có một sự lo lắng trong tiềm thức ở ông chồng hiện tại.
Khi một cuộc ngoại tình bị phát giác, người ta có quan điểm đổ lỗi cho người đã cướp đi người đàn ông trong gia đình. Ấy là chuyện ngày xưa, ngày nay người ta chĩa mũi giáo nguyên nhân về phía những người vợ. Kiểu như có của quý trong nhà mà không biết giữ thì ráng mà chịu đi, kêu ca gì.
Số đông ngày nay chấp nhận việc chỉ trích ấy. Nhưng hãy nghĩ đàn ông là của quý trong nhà, thì mọi biện pháp tăng cường an ninh chỉ là nhằm giảm thiểu rủi ro chứ không bao giờ triệt tiêu hết được nguy cơ. Hơn nữa, khi món đồ đó luôn có khao khát được ra ngoài và sờ vào các hiện vật khác thì việc giữ gìn của người đàn bà cũng là bất lực.
Khác với cách giải quyết của đàn ông, đàn bà trong cơn cuồng ghen họ làm đủ mọi chuyện chỉ với một mong muốn đưa người đàn ông của mình về vị trí cũ. Họ sẵn sàng đưa con cái ra để lôi kéo người đàn ông của mình.
Đáng tiếc thay, trước mọi nỗ lực của vợ mình đàn ông lại thường trôi nhanh hơn về phía tình nhân.
Theo Thịnh Hồ (Khampha.vn)